Hệ lụy từ hàng loạt dự án khai thác titan

Theo thống kê, trữ lượng titan tại tỉnh Bình Thuận khoảng 600 triệu tấn, chiếm hơn 90% trữ lượng titan cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quản lý khai thác còn bất cập đã gây ra hàng loạt hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và tính mạng công nhân. 
Mỏ titan Nam Suối Nhum (tỉnh Bình Thuận), nơi xảy ra sự cố sập bãi thải sau tuyển quặng titan làm 4 người chết
Mỏ titan Nam Suối Nhum (tỉnh Bình Thuận), nơi xảy ra sự cố sập bãi thải sau tuyển quặng titan làm 4 người chết

Liên tục sập mỏ, vỡ hồ

Ngày 15-10, tại mỏ khai thác quặng titan Nam Suối Nhum của Công ty Tân Quang Cường (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) xảy ra sự việc sập bãi thải sau tuyển quặng titan làm 4 công nhân bị chôn vùi tử vong. Sau sự cố này, cơ quan chức năng xác định, thời điểm Công ty Tân Quang Cường tổ chức di dời cát thải tại bãi thải thuộc mỏ titan Nam Suối Nhum đã không xây dựng phương án để tổ chức di dời, không có phương án đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, công nhân không được trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ an toàn lao động.

Trước đó, vào tháng 9-2019, tại mỏ titan của Công ty Sao Mai (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cũng đã xảy ra sự cố sập mỏ khai thác titan làm một công nhân bị chôn vùi rồi tử vong. Qua điều tra, công ty này tổ chức khai thác titan không đúng với thiết kế, gây mất an toàn, dẫn đến sự cố. 

Không chỉ gây thiệt hại về người, từ năm 2013 đến nay, việc khai thác titan của các doanh nghiệp còn gây ra 3 sự cố vỡ hồ chứa nước, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Trong đó, vào tháng 6-2016, cũng tại mỏ titan Nam Suối Nhum đã xảy ra vụ vỡ hồ chứa nước khiến một khối lượng cát, nước kèm bùn đỏ tràn xuống khu du lịch và đường dân sinh gây thiệt hại nặng nề. 

Theo ông Trần Nguyên Lộc, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, sau khi xảy ra sự cố sập bãi thải khai thác titan tại Công ty Tân Quang Cường, đơn vị đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác titan, các loại khoáng sản khác trên địa bàn khẩn trương kiểm tra, xử lý nguy cơ mất an toàn bãi thải, hồ chứa nước trong khu vực mỏ khoáng sản để đảm bảo không gây sạt lở, mất an toàn, tai nạn lao động và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. 

Siết chặt việc cấp phép

Thời gian qua, sau khi hàng loạt các dự án khai thác titan ở tỉnh Bình Thuận được cấp phép khai thác đã bị phát hiện nhiều bất cập, sai phạm; đồng thời liên tục gây ra các sự cố về môi trường, con người và gây biến dạng môi trường, cảnh quan, khiến dư luận đặt vấn đề về những bất cập của các dự án này. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tổng diện tích quy hoạch dự trữ titan là trên 100.000ha, phần lớn nằm ven biển, chồng lấn với các dự án du lịch, điện gió, điện mặt trời. Trong 5 năm qua, hơn 50 dự án lớn chồng lấn với quy hoạch dự trữ titan không triển khai được, kéo chậm tốc độ tăng trưởng của địa phương.

Trong khi đó, trong giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã tổ chức đợt kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm tại các dự án khai thác titan ở tỉnh Bình Thuận. Điển hình như dự án đầu tư xây dựng khai thác tuyển quặng sa khoáng titan - zircon của Công ty TNHH Phú Hiệp (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), khi khai thác để nước thải thấm xuống đất và vào mạch nước ngầm; xây xưởng tuyển tinh quặng sa khoáng không có hồ sơ về môi trường được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; chưa có giấy phép khai thác nước dưới đất…

Tương tự, Công ty TNHH Đức Cảnh được cấp phép khai thác titan diện tích 64,5ha, tại khu vực Thiện Ái 2, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), vi phạm về thiết kế khai thác, không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó, công ty này đã khai thác ra ngoài diện tích cho phép gần 1.500m². 

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bình Thuận có 3 dự án đang khai thác titan, gồm: mỏ Thiện Ái 2 (huyện Bắc Bình), công suất khai thác 3.186 tấn khoáng vật nặng/năm; mỏ titan xã Hồng Phong (huyện Bắc Bình), công suất khai thác 24.000 tấn khoáng vật nặng/năm; và mỏ Nam Suối Nhum, công suất 117.345 tấn khoáng vật quặng/năm. Năm 2021, tổng số tiền mà các dự án trên nộp vào ngân sách khá khiêm tốn. Trong đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chỉ hơn 6,4 tỷ đồng; thuế tài nguyên hơn 53,4 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường vỏn vẹn hơn 9,7 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, nguyên đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, chia sẻ, thực trạng hiện nay là các dự án titan ở tỉnh Bình Thuận đang chồng lấn với các dự án phát triển du lịch, chưa mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, nhưng lại liên tục gây ra nhiều hệ lụy.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc cấp phép khai thác và việc đánh giá tác động môi trường của các dự án titan. Đồng thời, cần đánh giá kỹ, chính xác hơn về trữ lượng titan ở từng khu vực. Khu vực nào đủ điều kiện thì cấp phép, không đủ điều kiện thì ưu tiên để phát triển du lịch.

Nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến việc chồng lấn các dự án khai khoáng, ngày 1-4-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 51/NĐ-CP về quản lý khai thác khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Trong đó, các quy định mới sẽ cho phép tỉnh Bình Thuận thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; đồng thời cho phép điều chỉnh diện tích, đưa ra ngoài diện tích vùng dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục