Gần sát chân cầu Kinh (phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM), con hẻm nhỏ 749 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh rộng chưa tới 1m là hẻm chung của 22 hộ dân. Các hộ đã tự góp tiền tráng hẻm, làm cống thoát nước… Khu dân cư vốn yên ả bao năm, nay bỗng lao xao, ồn ào vì chủ lô đất hẻm 739 có phần ranh đất liền kề với hẻm 749 muốn trổ cửa ra hẻm 749 để phân lô bán nền.
Ồn ào hẻm nhỏ
Theo đơn kêu cứu của 22 hộ dân hẻm 749, khoảng giữa tháng 7-2014, chủ hộ 739/4 có phần ranh đất liền kề với hẻm 749 khoảng hơn 20m đã tự ý đập bỏ tường rào, trổ cửa ra hẻm 749 để phân lô bán nền. Chị Loan (cư dân hẻm 749) kể: “Bị cư dân hẻm 749 phản ứng, ông ấy lớn tiếng rằng ông đã được phép của chính quyền địa phương. Mọi người làm dữ, ngăn cản nên ông mới tạm nhường bước, chỉ kịp đào và đấu nối đường cống thoát nước vào 2 hố ga của hẻm 749”.
Anh Chu Ngọc Anh (ngụ tại 749/13) cho biết thêm: “Hạ tầng của hẻm như cống thoát nước, lối đi… đều do 22 hộ dân trong hẻm góp tiền làm. Bây giờ chủ hộ 739/4 tự phân lô đất thành 13 nền nhỏ, rao bán, đấu nối đường cống thoát nước vào đây thì hạ tầng chịu sao nổi. Chưa kể, lối vào hẻm chật hẹp, ra vào đã khó khăn, bây giờ lại thêm 13 hộ nữa sử dụng chung thì sẽ ra sao?”.
Trả lời PV Báo SGGP về vụ này, ông Đặng Minh Nguyên, Chủ tịch UBND phường 26 quận Bình Thạnh, cho biết: “Lô đất của hộ 739/4 rộng gần 670m², có một căn nhà nhỏ trên lô đất và trước nay ra vào bằng hẻm 739, nay chủ lô đất xin tách thửa, phân lô bán nền và mở thêm lối ra hẻm 749. Qua theo dõi hồ sơ, chủ lô đất xin tách thửa và đã được quận ra công văn hướng dẫn theo trình tự như bổ sung cam kết xây dựng và bàn giao hạ tầng kỹ thuật, đo vẽ lập hiện trạng vị trí để cắm mốc, bàn giao quận quản lý phần đất đã hoàn chỉnh hạ tầng…, sau đó cơ quan chức năng mới nghiệm thu, cho phép phân lô tách thửa. Khi bà con hẻm 749 phản ứng, phường đã yêu cầu chủ lô đất 739/4 tạm dừng, giữ nguyên hiện trạng, chờ hướng dẫn”.
Lợi hay hại?
Theo Thông tư 20/2013/TTLT-BXD-BNV, kể từ ngày 5-1-2014, cho phép các chủ dự án không phải bán nhà mà có thể bán đất cho người dân tự xây nhà. Tuy nhiên, cũng theo thông tư này, khu vực được chuyển quyền sử dụng đất phải được đầu tư công trình hạ tầng như đường giao thông, cấp điện, chiếu sáng, viễn thông, cấp thoát nước… và không thuộc các vị trí như nằm trong địa bàn các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt.
Tuy nhiên, tại TPHCM, các chủ đầu tư đã căn cứ vào Quyết định 19/2009/QĐ-UBND ngày 25-12-2009 của UBND TPHCM để tách thửa hàng loạt các nền đất, bán lại cho người có nhu cầu nhà ở. Theo Quyết định 19, khu vực các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức được phép tách thửa nhưng không dưới 80m² sau khi trừ lộ giới, đối với đất chưa có nhà ở và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m. Đối với đất đã có nhà ở hiện hữu, thửa đất được tách không dưới 50m², chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m.
Tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đất có nhà ở hiện hữu được phép tách thửa không dưới 45m² và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 3m tại đường có lộ giới lớn hơn 20m hoặc tách thửa không dưới 36m² đối với mặt tiền không nhỏ hơn 3m tại đường có lộ giới nhỏ hơn 20m. Với Quyết định 19, nhiều người đã lách bằng cách xin chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn, đất nông nghiệp thành đất đô thị rồi xin phép xây dựng một căn nhà trên thửa đất và sau đó tiến hành tách thửa.
Một dạo dư luận đã phản ứng về việc một vài doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đề xuất xây nhà giá rẻ với diện tích 25 - 35m² mà nhiều người đã gọi đó là “ổ chuột trên cao”. Quyết định 19 có nhiều yếu tố thông thoáng, song đã bị giới kinh doanh tìm kẽ hở để lách như đã nói trên.
Với cách lách này, những khu dân cư yên ả bấy lâu nay sẽ “bỗng dưng… ồn ào” khi xuất hiện thêm nhiều nền đất, hệ số nén trên đất bị tăng cao, mật độ dân cư sẽ dày thêm, hình thành thêm nhiều “ổ chuột dưới đất” và chuyện quá tải hạ tầng là điều khó tránh khỏi. Phản ứng của 22 hộ dân hẻm 749 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) là điều mà các cơ quan chức năng về quản lý đô thị phải suy nghĩ…
CÁT TƯỜNG