Hệ quả chạy theo phong trào

Khách Nga sụt giảm khiến ngành du lịch một số tỉnh vốn “sống nhờ” đối tượng du khách này trở tay không kịp, lúng túng. Điều này còn thảm thương hơn khi một trong hai hãng lữ hành lớn nhất, chuyên đưa khách Nga đến Việt Nam hiện cũng tuyên bố ngừng tổ chức bay.

Trước đây, có một thời gian dài, khách Nga ồ ạt vào thị trường Thái Lan. Thậm chí, người Nga còn đến các thành phố lớn ở Thái Lan để mua nhà đất, định cư lâu dài. Một thời đại du lịch “toàn Nga” nở rộ trên đất Thái. Nhưng cuối cùng, khách Nga cũng rời bỏ đất Thái mà đi, để lại ngổn ngang mối lo cho ngành du lịch nước này. Nhưng có lẽ nghiêm trọng nhất đó là việc đất Thái mất đi một lượng khách truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ - vốn là thế mạnh của du lịch Thái. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chung quy lại người ta nhận thấy rằng giữa khách Nga và một số khách quốc tế khác bất đồng nhiều mặt và họ không cùng một “chiến tuyến”. Vậy nên, quy luật kẻ đến - người đi là tất yếu! Để cứu thị trường du lịch, người Thái đã áp dụng nhiều biện pháp kích cầu mạnh mẽ, nhưng phải mất rất lâu họ mới ổn định lại nguồn khách.

Còn tại Việt Nam, trong các địa phương thu hút khách Nga thì tỉnh Khánh Hòa chiếm tỷ lệ nhiều nhất với khoảng 200.000 khách Nga đến mỗi năm. Từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là cao điểm của khách Nga. Nhưng nghịch lý, hiện nay tại các điểm du lịch ở miền Trung lại vắng hoe khách Nga. Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng theo số liệu từ các đơn vị lữ hành, lượng khách Nga đặt tour qua các hãng này đã giảm khoảng 50% và đang tụt dốc không phanh. Đây là một cuộc “khủng hoảng” khách Nga và dự báo sẽ tác động xấu đến ngành du lịch các địa phương vốn đang chạy theo “trào lưu khách Nga”.

Các nhà hàng chuyên phục vụ món ăn Nga tại thành phố Nha Trang sau một thời gian mọc lên như nấm, khách tấp nập nay vắng “như chùa bà đanh”. Còn các khách sạn thì công suất phòng đạt dưới trung bình do không có khách. Vậy mà trước đây, hàng trăm khách sạn tại Nha Trang đều “độc tôn” đến 70% công suất phòng cho khách Nga. Hãng lữ hành đưa khách Nga đến Việt Nam lớn nhất hiện nay là Pegas Touristik đưa ra con số giật mình: Tháng 12-2014 họ tổ chức 28 chuyến bay và đưa 10.300 khách Nga đến Việt Nam qua sân bay quốc tế Cam Ranh. Nhưng dự báo trong tháng 4-2015, chỉ còn khoảng 12 chuyến bay với 70 khách. Trong khi đó, tại Nha Trang, hàng chục khách sạn đang xây mới để đón đầu khách Nga. Số phận những khách sạn này sẽ ra sao?

Không chỉ có khách Nga giảm, lượng khách truyền thống đến với miền Trung là khách Tây Âu, Bắc Mỹ cũng đã giảm từ 25% - 40% do không được quan tâm vì mải lo cho khách Nga. Điều này là hệ quả của việc “độc tôn” khách Nga! Để tháo gỡ khó khăn, giải pháp được nhiều cuộc hội thảo đúc kết là các khách sạn, công ty du lịch và đơn vị lữ hành khách Nga cần nỗ lực chung. Khẩu hiệu đặt ra là như vậy, nhưng tiếng nói chung giữa các đơn vị này còn một khoảng cách xa, còn hoài nghi lẫn nhau nên cuối cùng kết quả thu lại chưa đáp ứng như kỳ vọng.

Thiệt hại nhiều mặt và chưa tìm ra lối thoát là hệ quả mà ngành du lịch các tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu khi quá phụ thuộc vào lượng du khách Nga. Nói như một chủ doanh nghiệp du lịch tại Nha Trang, sụt giảm khách Nga, mất đi thị trường khách truyền thống là “cái chết” đã được dự báo. Bài học từ Thái Lan còn nóng hổi, nhiều nhà quản lý du lịch đều biết nhưng phó mặc bởi “tư duy nhiệm kỳ còn nặng nề”

KHÁNH NGÂN

Tin cùng chuyên mục