Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước châu Mỹ lần thứ 10 đã chính thức khai mạc ngày 8-10 tại thành phố Punta del Este của Uruguay. Một trong những trọng tâm thảo luận của hội nghị là tương lai của cơ chế hợp tác quốc phòng tại châu lục trong bối cảnh nhiều nước cho rằng cơ chế này với tên gọi Hiệp ước hỗ tương liên Mỹ (TIAR) hay Hiệp ước Rio đã lỗi thời.
Trước khi diễn ra hội nghị, các nước Bolivia, Ecuador, Nicaragua và Venezuela thống nhất rút khỏi TIAR hồi tháng 6 vừa qua, với lý do cơ chế này (thành lập năm 1947) chưa bao giờ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ lẫn nhau về quốc phòng giữa các nước tại châu lục mà chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ. TIAR ra đời với mục đích bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một nước châu Mỹ bị tấn công quân sự từ bên ngoài châu lục. Tuy nhiên, TIAR đã không được thực hiện vào thời điểm quan trọng nhất lẽ ra phải được áp dụng, đó là cuộc xung đột vũ trang tại quần đảo Malvinas/Falklands giữa Argentina- Anh năm 1982.
Trong cuộc tranh chấp quân sự cách đây 30 năm tại quần đảo ở Nam Đại Tây Dương trên, thay vì hậu thuẫn Argentina, Mỹ đã ủng hộ Anh. Cuộc chiến Malvinas/Falklands là sự kiện không được mong đợi diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh lạnh đang căng thẳng. Washington quan ngại Argentina quay sang ủng hộ Liên Xô nên đã tìm cách hòa giải xung đột. Tuy nhiên, sau khi Argentina bác bỏ đề nghị đàm phán của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ khi đó, Alexander Haig, ngay lập tức tuyên bố Mỹ sẽ ban hành lệnh cấm bán vũ khí cho Argentina, đồng thời Quốc hội Mỹ thông qua các nghị quyết ủng hộ Chính quyền Tổng thống Ronald Reagan hỗ trợ Anh về mọi mặt, trong đó có quân sự. Ngoài ra, Mỹ chọn Anh bởi đây là một đồng minh thân cận của Mỹ trong Khối quân sự hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bộ trưởng quốc phòng Ecuador Miguel Carvajal nhấn mạnh hội nghị lần này phải “khai tử” TIAR. Bộ trưởng quốc phòng Argentina Arturo Puricelli thì tuyên bố TIAR hay Hội đồng quốc phòng liên Mỹ (IADB) được lập ra chỉ để phục vụ cho lợi ích của Mỹ trong cuộc đối đầu với Liên Xô, và cho đến nay vẫn tiếp tục là công cụ của Washington. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9, Washington viện dẫn Hiệp ước Rio để yêu các nước trong khu vực châu Mỹ tham gia cuộc chiến chống khủng bố nhưng tất cả các nước, kể cả 4 nước Trung Mỹ thân cận đều từ chối. Sau đó, chính Mexico lấy lý do Mỹ ủng hộ Anh trong cuộc xung đột Malvinas/Falklands và tham dự cuộc chiến Iraq nên tuyên bố rút lui khỏi hiệp ước vào năm 2002.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Mỹ đến với hội nghị lần này không ngoài mục đích đẩy mạnh hợp tác quân sự, thúc đẩy hòa bình và ổn định cho khu vực. Nhưng dường như các nước trong khu vực đang nghi ngờ về điều đó. Cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống cánh tả Honduras Jose Manuel Zelaya tháng 6-2009, được nhiều người cho rằng do Mỹ đạo diễn. Sau khi chính biến xảy ra, Mỹ đã ủng hộ chính quyền đảo chính bằng tuyên bố thừa nhận cuộc bầu cử mới tại Honduras và không có ý định bảo vệ vị tổng thống do dân bầu hợp pháp là ông Manuel Zelaya.
Có thể thấy thái độ hai mặt của Washington trong việc thực hiện Hiệp ước Rio. Nguyên tắc trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia đó là các bên tham gia đều có quyền bình đẳng về lợi ích, vị trí. Rạn nứt giữa Mỹ và các quốc gia Nam Mỹ một phần vì đi ngược lại nguyên tắc vàng này.
Đỗ Văn