Hệ sinh thái dữ liệu mở: Khởi đầu cho đô thị thông minh

Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay công nghiệp thế hệ 4.0), người ta ví von “hệ sinh thái dữ liệu mở” giống như nguồn “dầu mỏ” của nền kinh tế. 
TPHCM đang đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở như một nội dung quan trọng thực hiện mục tiêu trở thành thành phố thông minh trong tương lai.
Cơ hội lớn cho thực hiện ước mơ khởi nghiệp
Có lẽ thuật ngữ “open data” (dữ liệu mở) đã không còn xa lạ đối với nhiều người dân sinh sống tại một thành phố năng động như TPHCM. Trên thực tế, một hệ sinh thái dữ liệu mở hoàn chỉnh sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều bạn trẻ thực hiện ước mơ khởi nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và khoa học thông qua sự thuận tiện hơn khi tiếp cận các thông tin hợp nhất từ nhiều kho dữ liệu khác nhau trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục đến các thông tin liên quan đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.    
Hệ sinh thái dữ liệu mở được xem như “tài sản” mới của nền kinh tế thể hiện qua các trường hợp ứng dụng dữ liệu mạnh mẽ thời gian gần đây như Uber, Grab hay một số loại hình dịch vụ đặt phòng khách sạn toàn cầu, là những mô hình kinh doanh mới nhờ khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu mà thành công. Cung cấp cơ sở dữ liệu mở đang là xu hướng tại các nước phát triển và là một trong các chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc đối với các nước. Theo đó, dữ liệu mở giúp công khai thông tin, minh bạch thông tin giữa hoạt động của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Sự khác biệt giữa dữ liệu mở với các trang thông tin điện tử ở đây chính là “số liệu gốc” và các công cụ để xử lý dữ liệu đó. Chẳng hạn, TPHCM đang xây dựng một số cơ sở dữ liệu gốc cung cấp thông tin doanh nghiệp hoặc về đất đai, dựa trên đó người dân, doanh nghiệp có thể khai thác trực tiếp trên cơ sở dữ liệu này và đây có thể là mô hình có thể khai thác kinh doanh trên dữ liệu này được.
Hệ sinh thái dữ liệu mở: Khởi đầu cho đô thị thông minh ảnh 1 Bạn trẻ luôn khát vọng tiếp cận công nghệ mới
Từ đây mở ra hai chiều tương tác. Chiều thứ nhất là sự minh bạch tham gia hợp tác giữa Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, đồng thời ở chiều ngược lại người dân cũng tham gia phản biện với hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tin học Giải pháp Tích hợp mở (quận Phú Nhuận, TPHCM) nhận định, để trở thành một thành phố thông minh, trước tiên TPHCM phải xây dựng được một hệ sinh thái dữ liệu mở được công bố rõ ràng để cộng đồng khởi nghiệp hướng vào đó lập ra những kế hoạch kinh doanh sáng tạo độc lập.
“Trong một nền kinh tế cạnh tranh công bằng, cộng đồng khởi nghiệp rất cần những cơ sở dữ liệu thông tin mở, chính xác liên quan đến nhiều lĩnh vực sẵn có để đưa ra quyết định kinh doanh cho riêng mình mà không mất công tìm kiếm những thông tin cơ bản ban đầu” - ông Hiền chia sẻ và thừa nhận hiện Việt Nam vẫn còn thiếu cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp nên nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn loay hoay tìm kiếm dữ liệu, thông tin liên quan đến lĩnh vực mình kinh doanh.
Theo các chuyên gia, “thành phố thông minh” thường đi kèm với hai khái niệm gồm “công cụ” và “người dùng”. Thông qua sự đánh giá của người dùng thì các ứng dụng hệ sinh thái cơ sở dữ liệu mở càng cạnh tranh với nhau và ngày càng tạo ra nhiều ứng dụng hay hơn phục vụ nhu cầu dịch vụ tiện ích cho con người như du lịch thông minh, giao thông thông minh, y tế, giáo dục thông minh ... Nếu TPHCM đi đầu trong việc tạo hệ sinh thái cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh sẽ tạo ra những “cơn mưa” tưới lên mảnh đất giúp nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đâm chồi, phát triển tươi tốt.
Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở 
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, hiện thành phố đang xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở để tích hợp các cơ sở dữ liệu của các sở ban ngành, quận huyện thành kho dữ liệu dùng chung của thành phố với sự hỗ trợ tư vấn của Hội Khoa học chuyên gia trí thức Việt kiều Pháp. Trong bối cảnh TPHCM đang nhắm đến mục tiêu phát triển “thành phố thông minh” thì nhu cầu giới thiệu hoạt động và khai thác dữ liệu mở của tổ chức hành chính, người dân và doanh nghiệp càng trở nên bức thiết nhằm phát triển chính quyền điện tử, phát triển kinh tế, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp. Lâu nay, các cơ sở dữ liệu hiện hữu vẫn còn nằm rải rác ở các quận huyện, sở ngành, chưa được tập trung. Do vậy, việc tích hợp các nguồn dữ liệu về một đầu mối làm cơ sở dữ liệu dùng chung hoàn chỉnh là rất quan trọng để các sở ban ngành, doanh nghiệp, người dân tham khảo một cách thống nhất.
Kế hoạch nói trên gồm hai phần. Một là xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Điều này giúp chia sẻ thông tin giữa tất cả các sở ban ngành, quận huyện, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu dùng chung này. Ví dụ như dữ liệu về thuế, kế hoạch đầu tư để lấy được thông tin hoạt động doanh nghiệp, thay vì chỉ có thông tin riêng lẻ về đăng ký đầu tư của doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc tại Cục Thuế thành phố, thì nay có thể kết hợp thành thông tin chung cả hai lĩnh vực này. Ngoài ra, cũng sẽ có một cơ sở dữ liệu mới được hình thành từ đề án đô thị thông minh để ứng dụng phát triển các lĩnh vực như: giao thông thông minh, giáo dục, y tế, môi trường, cấp thoát nước, chống ngập, hạ tầng ngầm… Toàn bộ dữ liệu nói trên sẽ là kho dữ liệu dùng chung của thành phố. 
Việc cung cấp dữ liệu mở giúp phát triển các doanh nghiệp xung quanh, giúp thúc đẩy khởi nghiệp tại thành phố bởi  kinh nghiệm các nước trên thế giới đã có hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời từ các kho dữ liệu mở. Trên cơ sở này, TPHCM cũng tính đến việc xã hội hóa nguồn dữ liệu mở này. Tức là trong các dữ liệu cung cấp cho doanh nghiệp sẽ có một phần thông tin miễn phí hoàn toàn, một phần dữ liệu có thu phí để vận hành hệ cơ sở dữ liệu mở thay vì ngân sách bỏ ra đầu tư toàn bộ. Trong phần thông tin hệ dữ liệu mở có thu phí thì thành phố sẽ tổ chức các cuộc thi tìm kiếm các giải pháp khai thác dữ liệu mở. Chẳng hạn, thành phố sẽ mời các doanh nghiệp hay các sinh viên tổ chức những cuộc thi ngắn (trong vòng 7 - 10 ngày) để ra giải pháp mà chính quyền thành phố không cần phải đầu tư làm phần mềm, hoặc một sinh viên nào đó có giải pháp tốt sẽ được doanh nghiệp mua lại, thậm chí sinh viên đó có thể khởi nghiệp trên giải pháp ứng dụng, khai thác dữ liệu mở này. Đây chính là mục tiêu thành phố nhắm đến.

Tin cùng chuyên mục