Hệ thống bán lẻ đẩy mạnh bán hàng online

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế tụ tập đông người ở một địa điểm, nhiều hệ thống bán lẻ đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ bán hàng tận nhà. Theo đó, người dân có thể mua hàng thông qua kênh mua sắm qua truyền hình, điện thoại hoặc đặt hàng online… 
Nhiều hệ thống siêu thị tăng cường bán hàng online để hỗ trợ người tiêu dùng phòng chống dịch Covid-19
Nhiều hệ thống siêu thị tăng cường bán hàng online để hỗ trợ người tiêu dùng phòng chống dịch Covid-19

Người tiêu dùng ưa chuộng

Theo ông Frederick Burke, Quản lý điều hành cấp cao của Baker Mckenzie, từng tham gia quá trình đàm phán song phương vào WTO tại Việt Nam, tuy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực, nhưng sẽ có một số ngành nghề hưởng lợi trong năm 2020. Phải kể đến là mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng, sản xuất thực phẩm đóng hộp và tiềm năng hơn là ngành chăm sóc nhà cửa, bởi người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà hơn nơi công cộng. 

Từ nhận định trên, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra con số khả quan cho tăng trưởng của các ngành này. Cụ thể, ngành thương mại điện tử vốn chỉ chiếm 5% giá trị bán lẻ trong 2019 thì đến nay có 76% người tiêu dùng mua sắm ít nhất một lần qua hệ thống online. Do vậy, đến hết năm 2020, mức tăng trưởng của ngành dự ước đạt hơn 20%. 

Còn ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thanh Trà My (ngụ đường Dương Bá Trạc, quận 8) cho rằng, sự tiện lợi của hoạt động bán hàng online đã được cải thiện rất nhiều. Người tiêu dùng không chỉ có thể mua đồ khô, vật dụng gia đình mà còn có thể mua thực phẩm tươi sống. Thời gian giao hàng cũng được rút gọn. Đơn cử, gia đình chị đặt đơn hàng bao gồm thực phẩm tươi sống và vật dụng gia đình vào 8 giờ, chỉ khoảng tầm 10-12 giờ là có thể nhận được hàng. Trong một số trường hợp khách hàng có nhu cầu gấp, hệ thống siêu thị sẽ hỗ trợ giao hàng nhanh. 

Riêng về phía người dân, Bộ Công thương cũng như Bộ Y tế khuyến cáo nên hạn chế ra khỏi nhà, tránh tụ tập nơi đông người. Còn về hàng hóa thiết yếu, các cơ quan chức năng cam kết hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ cho người dân, thậm chí có dư để xuất khẩu. Do đó, người dân không phải hoang mang và mua tích trữ đồ ăn quá nhiều trong nhà. 

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Saigon Co.op cho biết, từ nhiều tháng qua, đơn vị triển khai đa dạng hình thức bán hàng online. Cụ thể, người tiêu dùng có thể đặt hàng qua kênh bán hàng truyền hình (HTV Co.op), nhờ “đi chợ” và giao hàng thông qua hình thức gọi điện thoại đặt mua, hoặc lên trang website để đặt mua trực tiếp đơn hàng cần. Tương tự với hệ thống Saigon Co.op, hệ thống Lotte, Aeonmall… cũng đẩy mạnh hoạt động bán hàng online. Người dân có nhu cầu không cần phải đến trực tiếp hệ thống siêu thị để mua mà có thể mua qua online, điện thoại. 

Doanh nghiệp tăng công suất sản xuất

Trước đó, Bộ Công thương đã làm việc với hệ thống phân phối bán lẻ về việc việc ung ứng hàng hóa. Để đảm bảo hàng hóa luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm cục bộ, các hệ thống phân phối phải tăng thêm lượng hàng dự trữ lên khoảng 40%-50% ngoài những lượng hàng đã dự trữ trước đó (ước tính khoảng 400-500 tỷ đồng). Song song đó, các đơn vị phân phối cũng được chỉ đạo đẩy nhanh áp dụng loại hình bán hàng online để giảm việc tụ tập đông người. 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, khẳng định các doanh nghiệp (DN) thành viên của hội đã tăng công suất sản xuất lên 30% từ đầu năm đến nay, đủ để cung ứng hàng hóa cho người dân trong trường hợp sức mua tăng mạnh. Không dừng lại đó, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các tỉnh có nguồn cung nông sản, thực phẩm lớn cho thành phố. Hiện trung bình nguồn hàng đi qua các chợ đầu mối nông sản của thành phố vào khoảng 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản và các nông sản quan trọng khác.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN không phải là nguyên liệu sản xuất mà là lực lượng lao động. Cũng theo bà Chi, số lượng công nhân quay trở lại sau tết khá ít, do lo ngại dịch bệnh. Do đó, để có thể đáp ứng yêu cầu tăng công suất sản xuất, nhiều DN đã phải tìm kiếm nguồn công nhân lao động theo thời vụ để tăng ca sản xuất. 

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết sở đang tổ chức nhiều đoàn khảo sát đến làm việc trực tiếp với từng DN, nhất là những DN sản xuất sản phẩm chủ lực của thành phố. Việc tiếp cận này giúp cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời những khó khăn của DN, từ đó bàn giải pháp hỗ trợ trực tiếp và nhanh cho DN. Riêng trường hợp cần đổi mới công nghệ để tăng công suất sản xuất, sở hỗ trợ hoàn thiện thủ tục hành chính giúp DN tiếp nhận nhanh nguồn vốn kích cầu, duy trì ổn định sản xuất, tăng khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường. 

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM, cho biết thêm ngay từ cuối năm 2019, công ty đã thay đổi cách hỗ trợ vốn cho DN có nhu cầu vay. Theo đó, thay vì đợi DN tìm đến, công ty đã chủ động làm việc với nhiều DN để tìm hiểu nhu cầu cần vay vốn, mục đích vay và khả năng hoàn vốn. Thậm chí, trường hợp DN có nhu cầu hợp tác, công ty sẵn sàng cùng xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển, khai thác tiềm năng thị trường và chia sẻ lợi ích trên cơ sở hai bên cùng đạt được mục tiêu đề ra. Bộ phận phụ trách hồ sơ vay vốn cũng được rà soát, cải cách theo hướng chủ động tinh giản thủ tục hành chính phức tạp, gây phiền nhiễu cho DN có nhu cầu vay vốn. 

Có thể thấy, đến 90% DN sản xuất trong nước là DN nhỏ và vừa. Họ không chỉ thiếu vốn đầu tư mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng sản xuất, kinh nghiệm quản trị và công nghệ sản xuất hiện đại. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài như hiện nay, DN gặp khó thêm khi thiếu nguyên liệu sản xuất. Do vậy, việc tăng nội lực vốn cho DN sẽ giúp họ giảm bớt một phần khó khăn, duy trì sản xuất, góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định.

Tin cùng chuyên mục