Được sự hỗ trợ của Cục Dân quân tự vệ, Trung tâm Giáo dục An ninh và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã lắp đặt và khánh thành phòng học mô phỏng này.
Đây là thiết bị huấn luyện mô phỏng bắn súng bộ binh hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay, phù hợp cho đối tượng giáo dục quốc phòng là học sinh, sinh viên. Ngoài việc đảm bảo an toàn và hạn chế các tình huống phức tạp trong quá trình bắn đạn thật, phòng học này đủ đảm bảo các điều kiện để sinh viên có thể vừa thực hành các bài tập trong quá trình học, vừa làm quen thực tế thông qua âm thanh và độ giật của súng.
Là người trực tiếp giảng dạy bộ môn Giáo dục quốc phòng Trường Đại học Quốc gia TPHCM, Đại úy Trần Hải Chung nhận xét: “Hiện tại, mỗi đợt huấn luyện của trung tâm có từ 40.000 đến 45.000 sinh viên. Số lượng đông đến thế không thể sát sao kiểm tra từng sinh viên một, trong khi để tổ chức các buổi bắn đạn thật không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là nguy hiểm do thời gian huấn luyện quá ngắn. Nhưng thông qua hệ thống này, chúng tôi có thể kiểm tra đường ngắm bắn của sinh viên một cách chính xác nhất. Hơn nữa, hệ thống được xây dựng hết sức trung thực với tiếng súng nổ, độ giật của súng mang đến cho sinh viên trải nghiệm hết sức bổ ích. Các sinh viên cảm thấy yêu thích với môn học này hơn”.
Đại tá Tạ Hữu Vinh, Viện phó Viện Mô phỏng (Học viện Kỹ thuật Quân sự) mô tả về hệ thống huấn luyện bắn súng bộ binh do đội ngũ các nhà khoa học của Viện nghiên cứu, triển khai từ tháng 9-2009 đến đầu năm 2011: Hệ thống mô phỏng này được thiết kế theo quy định về bắn súng bộ binh với khoảng cách thật từ điểm bắn đến màn hình chiếu là 5m vào khoảng cách ảo là 95m. Súng AK được trang bị “công nghệ lõi”, xác định được tọa độ điểm ngắm bằng thiết bị laser và nhận dạng ảnh; camera có thể nhận dạng nhanh mục tiêu và độ chuẩn xác của tia laser bắn ra. Một hệ thống mô phỏng bắn súng bộ binh có thể xử lý thông tin từ 9 súng bắn đồng thời, với tốc độ bắn liên thanh của một súng lên tới 300 phát/phút. Hệ thống có thể tính toán được điểm chạm của viên đạn với bia, thể hiện được vết đạn trên bia, tự tính toán và thông báo kết quả bắn bằng âm thanh.
Đại tá Nguyễn Tấn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục An ninh và Quốc phòng, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, phòng được xây dựng nhằm giúp sinh viên được kiểm tra bắn súng bộ binh trong môi trường ảo, gần sát với thực tế chiến đấu ở các chiến trường, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả môn học, giảm chi phí huấn luyện, đồng thời nâng cao ý chí, bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TƯỜNG HÂN