Khi TPP chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro liên quan tới vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT). Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Quân (ảnh), các doanh nghiệp Việt Nam có thể phá sản và giải thể nếu như không chuẩn bị trước để đáp ứng các quy định về SHTT trong TPP...
* Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết những điều chỉnh trong TPP đối với lĩnh vực KH-CN?
* Bộ trưởng NGUYỄN QUÂN: Trong Hiệp định TPP, liên quan đến KH-CN có 2 vấn đề. Một là yêu cầu với lĩnh vực SHTT và thứ hai là yêu cầu với tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong đó vấn đề khó nhất, vướng mắc nhất là SHTT. Nó thể hiện ở 3 nội dung: 1. Hình sự hóa vi phạm liên quan đến SHTT. Hiện nay hệ thống luật pháp Việt Nam chỉ xử phạt vi phạm hành chính, chưa quy định xử lý hình sự. Nhưng khi tham gia TPP các đối tác yêu cầu phải xử lý hình sự; 2. Bảo hộ với dược phẩm, trong đó gay go nhất là bảo hộ về cơ sở dữ liệu thử nghiệm với dược phẩm; 3. Nông hóa phẩm cao. Việt Nam là nước nông nghiệp, nếu đáp ứng yêu cầu rất cao về nông hóa phẩm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp bởi vì nông hóa phẩm bao gồm từ thức ăn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vaccine thú y...
Về lĩnh vực chất lượng sản phẩm hàng hóa, chủ yếu liên quan đến thủ tục an toàn vệ sinh thực phẩm, thông quan ở các cửa khẩu. Như vậy, Bộ KH-CN phải đảm bảo việc ban hành đầy đủ tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, có các tổ chức đánh giá sự phù hợp có đủ năng lực, phải có đàm phán để có sự công nhận giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp của các quốc gia; để đảm bảo đơn giản hóa các thủ tục hải quan cũng như là đảm bảo chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và xuất khẩu.
* Để đáp ứng yêu cầu cũng như cam kết khi tham gia TPP, Việt Nam phải điều chỉnh một số chính sách. Vậy những chính sách nào liên quan đến KH-CN sẽ được điều chỉnh thời gian tới?
* Riêng lĩnh vực KH-CN, phải sửa Luật SHTT, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sản phẩm chất lượng hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật... Về lâu dài, Bộ KH-CN sẽ phải cùng với các bộ, ngành sửa Luật Hình sự, Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Trong những luật ấy có những điều khoản liên quan đến SHTT và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Đây là thách thức lớn vì chúng ta là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong 12 nước tham gia TPP. Hệ thống luật pháp của ta chưa phù hợp với hệ thống luật pháp của các nước phát triển và chưa đáp ứng được đặc thù của kinh tế thị trường, bây giờ chúng ta phải sửa đổi trong thời gian rất ngắn. Chúng ta mong muốn có thời gian chuyển đổi đủ dài để sửa đổi nhưng các đối tác trong TPP muốn chúng ta không có thời gian chuyển đổi hoặc rất ngắn.
* Bộ trưởng có thể đánh giá về việc thực thi quyền và bảo hộ quyền SHTT hiện nay ở Việt Nam như thế nào cũng như thách thức đặt ra khi thực hiện TPP?
* Hiện nay hệ thống thực thi SHTT Việt Nam còn rất yếu. Chúng ta làm rất tốt khâu xác lập quyền với sự hỗ trợ của Tổ chức SHTT thế giới và Tổ chức SHTT Nhật Bản; trong mười mấy năm qua chúng ta đã xây dựng hệ thống để xác lập quyền và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống thực thi quyền còn yếu kém vì năng lực và kinh nghiệm của bộ máy của chúng ra chưa được xây dựng phù hợp ví dụ như khi xảy ra tranh chấp giữa các doanh nghiệp liên quan đến SHTT, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp; chúng ta cũng chưa có tòa án chuyên ngành về SHTT, các tòa án dân sự gần như không có thẩm phán về SHTT nên gần như chưa xử được các tranh chấp. Chính vì vậy, khâu thực thi quyền SHTT vẫn là lo ngại lớn nhất khi làn sóng đầu tư, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam sau khi TPP có hiệu lực sẽ khiến các tranh chấp SHTT bùng nổ. Tới lúc đó, nếu chúng ta không có hệ thống thực thi quyền đầy đủ sẽ không giải quyết được, rất có thể bị những chế tài của TPP khiến chúng ta phải chịu những thua thiệt trước các doanh nghiệp nước ngoài.
* Theo Bộ trưởng, cần phải làm những gì để giúp các doanh nghiệp Việt Nam thích nghi với các yêu cầu mới của TPP ở lĩnh vực SHTT?
* Đầu tiên phải tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp những quy định của TPP. Vì nó rất mới với doanh nghiệp Việt Nam, kể cả thói quen ở một xã hội chưa có thị trường cũng như là việc chuẩn bị nguồn nhân lực hiểu biết để sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra. Tiếp đó là hỗ trợ doanh nghiệp phải đăng ký ngay tài sản trí tuệ họ đang có như kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bằng sáng chế, đi đăng ký xác lập quyền sau đó được bảo hộ. Thứ ba là đào tạo khẩn trương đội ngũ giám định viên về SHTT cũng như là thẩm phán của các tòa án dân sự. Cuối cùng là tiếp tục đàm phán trong khuôn khổ TPP thời gian chuyển tiếp, tìm sự thống nhất chung với các đối tác.
* Còn lời khuyên cụ thể hơn dành cho doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề này khi tham gia vào sân chơi TPP là như thế nào, thưa Bộ trưởng?
* Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên làm ít nhất 3 việc sau khi tham gia TPP: 1. Nếu có tài sản trí tuệ thì phải đăng ký để được bảo hộ trong toàn khối TPP ngay lập tức như sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý…; 2. Phải nhanh chóng đổi mới công nghệ. Công nghệ chúng ta hiện nay đang rất lạc hậu, ngay cả nếu thuế suất về 0 thì hàng hóa với công nghệ lạc hậu như hiện nay vẫn không thể cạnh tranh được, ngay cả các mặt hàng truyền thống như gạo, rau quả. Để làm việc đó, doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho KH-CN, nhất là nghiên cứu ứng dụng trong doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đã có Chương trình đổi mới công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia... các doanh nghiệp nên vận dụng tối đa nguồn lực này. 3. Phải chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực và thị trường. Không thể có công nghệ tốt nếu như không có nhân lực tốt. Còn chuẩn bị thị trường nghĩa là xem đối thủ của mình là ai, giá cả ra sao, trình độ nào, thị phần trong khu vực như thế nào, đồng thời phải có chiến lược cạnh tranh thích hợp.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
TRẦN LƯU (thực hiện)