Hè về, tai nạn trẻ em lại tăng

Gặp họa vì nghịch ngợm, tò mò
Hè về, tai nạn trẻ em lại tăng

Đang chơi xích đu ở nhà, bé trai N.T.T. (9 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) tự ý tháo ghế ra để trèo lên tuột xuống trên dây xích nhưng không may đầu móc xích vướng vào bìu làm rách vùng da bìu, lòi cả tinh hoàn… Đó là một trong nhiều trường hợp tai nạn thương tích mà mỗi dịp hè về, các bệnh viện chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TPHCM) thường gặp cấp cứu...

Chăm sóc trẻ bị bỏng tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: MAI HẢI

Chăm sóc trẻ bị bỏng tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: MAI HẢI

Gặp họa vì nghịch ngợm, tò mò

Trường hợp bé T. nói trên là điển hình cho tai nạn thương tích mà Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, TPHCM vừa cấp cứu thành công. Bé đã được phẫu thuật cắt lọc những mô hoại tử, rửa sạch vùng da hở nhiễm trùng, bảo tồn tinh hoàn đưa vào bìu trở lại. Th.S-BS Phạm Ngọc Thạch, Khoa Niệu - BV Nhi đồng 2 cho biết chấn thương vùng tinh hoàn ở trẻ em là thường gặp nhất. Độ tuổi thường gặp là sau 5 tuổi, lứa tuổi trẻ có nhiều vận động. Nguyên nhân thường gặp là té vào vật nhọn cứng, hoặc do chó nhà cắn, do bạn đá vào…

Trước đó không lâu, BV Nhi đồng 2 cũng phẫu thuật nội soi gắp dị vật mắc kẹt ở phổi cho bé gái N.T.N.Y. (9 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai). Dị vật là đầu nắp bút bằng kim loại bị lọt qua đường thở, xuống tận phổi. Trong lúc ngồi học ở nhà, bé Y. ngậm nắp bút nhưng sơ ý nuốt vào miệng gây ho sặc sụa, tím tái, khó thở. Em được gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu tại BV Nhi Đồng Nai trước khi chuyển lên BV Nhi đồng 2 TPHCM. Tương tự, BV Nhi đồng 1 cũng vừa cứu một trường hợp bé trai 12 tháng tuổi (nhà ở TPHCM) nuốt phải hai chiếc kim bấm vào dạ dày. Nguyên nhân do người nhà cho bé cầm hộp kim bấm chơi và cháu đã nuốt phải những chiếc kim này. Hay bé Nguyễn T.T. (10 tháng tuổi, ngụ Tiền Giang) bị ngộ độc rượu mã tiền vừa được BV Nhi đồng 1 cứu sống mà nguyên nhân do sự bất cẩn của người lớn.

Theo các chuyên gia nhi khoa, bên cạnh nhiều trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ do tự nghịch ngợm, thiếu quan sát trông nom của người nhà, thì thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều trường hợp trẻ vị thành niên “gặp họa” do tò mò, bức xúc tuổi mới lớn. Chẳng hạn như trường hợp cháu N.T.P. (15 tuổi, ngụ TPHCM) vừa được BV Nhi đồng 2 nội soi gắp dị vật ở bàng quang. Đó là đoạn dây điện bằng đồng có bọc nhựa dài gần 1m được P. khai tự nhét vào lỗ tiểu của “cậu nhỏ” nhưng mãi đến khi bị gây đau không chịu được mới tiết lộ để người nhà đưa đi cấp cứu. Hay trường hợp Đ.V.T. (15 tuổi, ngụ Cai Lậy, Tiền Giang) bị ngộ độc thuốc trừ sâu vừa được BV Nhi đồng 1 cứu sống. Tuyệt vọng vì bị bạn gái bỏ rơi, thiếu niên tuổi 15 này đã uống cạn chai thuốc trừ sâu kết liễu đời mình. Nhập viện với tình trạng thở mệt, sùi bọt mép, chảy nhiều đàm nhớt, T. được bác sĩ nhanh chóng rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính và tiêm tĩnh mạch thuốc giải độc liều cao. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, hậu quả từ việc ngộ độc thuốc trừ sâu có nguy cơ để lại nhiều di chứng cả về thần kinh lẫn hô hấp và tiêu hóa của bệnh nhân.

Trông chừng mọi lúc, mọi nơi

Theo các bác sĩ nhi khoa, tai nạn thương tích ở trẻ là rất phổ biến, nhất là dịp hè được nghỉ ngơi, vui chơi, đi du lịch. Những tai nạn thường gặp như đuối nước, bỏng, gãy tay chân, chấn thương phần mềm hầu như ngày nào cũng gặp. Theo khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2, những ngày qua bắt đầu có dấu hiệu gia tăng các trẻ bị tai nạn thương tích nhập viện, bình quân mỗi ngày 5 - 6 trường hợp. Trong đó có những trường hợp khá hy hữu mà suy cho cùng là thiếu sự quan sát, lơ đễnh của các bậc phụ huynh như hóc đồng xu, ngộ độc thuốc, té cầu thang…

Còn theo thống kê của BV Nhi đồng 1, mỗi năm nơi đây tiếp nhận gần 1.200 ca trẻ bị tai nạn thương tích, nhiều trẻ rất nguy kịch. Thời điểm gia tăng trẻ tai nạn thương tích cũng chủ yếu và dịp hè, nghỉ lễ. Còn tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, BS Phan Dư Lê Thắng, Khoa Vi phẫu, cũng cho biết trẻ bị gãy tay, gãy chân nhập viện thường xuyên thời gian qua. Bên cạnh những trường hợp nhẹ do ngã xe, té cây thì cũng có nhiều trường hợp nặng như dập cánh tay, dập bàn tay, bàn chân do bị vật nặng dè hoặc bị kẹt tay cánh cửa, máy móc…

Theo Sở Y tế TPHCM, mỗi năm tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 250 - 300 trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 14. Trong đó có nhiều tai nạn đau lòng chỉ vì một phút thiếu quan tâm của người nhà. Đặc biệt, mùa hè thường là thời điểm hầu hết trẻ ở nhà chơi, người lớn đi làm hoặc bất cẩn nên những trường hợp té nước, điện giật, phỏng… thường xảy ra ở trẻ mới vừa biết đi, biết bò. Nhưng cũng có khi tai nạn gặp phải ở trẻ lớn hơn như trường hợp vụ tai nạn thương tâm xảy đến với em P.V.T. (14 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) tử vong vì bị điện giật. Theo thông tin từ gia đình, trong lúc thả diều với nhóm bạn cùng xóm, con diều của T. bị vướng vào đường dây điện cao thế không thể bung dây ra được. Tiếc diều, T. cầm dao trèo lên cột điện gỡ và bị điện giật.

Điều đáng nói, ngoài việc bất cẩn của các bậc phụ huynh thì công tác cấp cứu kịp thời tai nạn thương tích cho trẻ còn rất hạn chế. Hiện hầu hết các trạm y tế phường - xã chưa có bác sĩ nhi khoa, còn phần lớn BV quận - huyện không có bộ phận cấp cứu nhi. Chính vì vậy, mỗi khi tai nạn xảy ra với trẻ, phần lớn phải đưa đi cấp cứu ở BV nhi đồng nên có những cái chết thương tâm, có những đứa trẻ gần như sống sót với cuộc đời tàn tật… bởi những bất cẩn mà người lớn gây ra hoặc không cấp cứu kịp thời.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục