Pizza là món ăn truyền thống của nước Ý xa xôi nhưng ở Cần Thơ, một món ăn dân dã hàng trăm năm cũng được du khách nước ngoài đồng lòng phong tặng danh hiệu: Pizza hủ tiếu.
Bất ngờ món xưa
Người phụ nữ 2 tay dâng cao, cuộn tròn những sợi hủ tiếu rồi nhẹ nhàng rải đều trên mặt chảo dầu đang sôi sùng sục. Chỉ một lát sau, những sợi hủ tiếu cong mình, vàng ươm rồi được rải thịt xá xíu, khoai củ xắt vuông… phủ lên bề mặt. Nhấc lên cho ráo dầu, rắc thêm ít rau thơm, hành lá, ớt, tiêu và tương ớt, nước mắm chua ngọt đặc sánh để kế bên. Hơn chục du khách nước ngoài vây quanh cái bếp gas, mắt tròn mắt dẹt nhìn bà chủ biểu diễn, chụp ảnh lia lịa, xuýt xoa thưởng thức. Jasques Le Roux, người Pháp, chưa hết ngạc nhiên nói đã đi nhiều nước, ăn nhiều món nhưng chưa bao giờ được thấy và ăn món lạ miệng, thơm ngon như vậy, “một kiểu fast food Việt Nam rất tiện lợi, hợp thời, đủ dinh dưỡng. Hello pizza hủ tiếu”.
Bà chủ Nguyễn Thị Diễm Thúy nhìn khách ăn, cười hoài, “Pizza hủ tiếu đã được du khách đặt tên cách đây mấy năm lận. Khách Tây rất khoái. Ăn xong họ còn đặt làm thêm để mang đi”. Gọi đúng tên dân dã món ăn này là “hủ tiếu chiên”, ở đây còn có hủ tiếu mềm, hủ tiếu xào... Hủ tiếu cứ cuộn tròn như bánh pizza còn nhân thì tùy từng loại, biến ảo vô cùng như chả lụa, giăm bông, lạp xưởng hoặc sữa, trứng gà, nước cốt dừa cho thêm béo, thêm thơm…
Bà Thúy còn kể, để bánh ngon phải biết chọn loại gạo, lấy bột ra sao, tráng bánh thế nào để ra được sợi hủ tiếu dai, không ngậm nước hay ra bột… Mỗi ngày, cơ sở Sáu Hoài của bà đón trung bình 50 – 70 khách, cao điểm vô mùa lên đến hơn 300 khách. “Những ngày đó, khách phải đi theo đường khép kín để ra vô không đụng nhau”, bà Thúy hể hả.
Giữ nghề và hút khách
Gia đình tôi đã 3 đời làm hủ tiếu, đến năm 1978 làm thêm bánh bột lọc. Hiện giờ mỗi ngày ra khoảng 500kg hủ tiếu và bánh bột lọc, tết đến cả tấn; vừa bỏ cho các chợ vừa đưa về Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…, ông Huỳnh Hữu Hoài, chồng bà Thúy, 56 tuổi, cởi mở. “Trước đây ở ấp Lợi Dũ (xã An Bình - quận Ninh Kiều) có hơn chục lò làm bánh tráng, hủ tiếu nhưng nay chỉ còn 2-3 lò. Họ làm công nghiệp ào ào nhưng tôi cố gắng giữ cách làm truyền thống để phục vụ khách du lịch, từ khâu lấy bột, tráng bánh, kéo sợi hủ tiếu…”. Và ông cũng chẳng ngại ngần bật mí “chiêu độc”: dùng lá bông giang xay kỹ lấy nhớt, hòa vô bột, đánh xoáy nước sẽ lấy hết được cặn bột dưới đáy. Cả chục năm trước, lò hủ tiếu Sáu Hoài đã nằm trong điểm tham quan của du lịch Cần Thơ, bởi ở kế bên chợ nổi Cái Răng nhưng hai năm trở lại ông quyết “đột phá”. Trong khuôn viên hơn 5.000m², ông đầu tư mở rộng thêm khu ăn uống ven sông, dựng cầu khỉ, xây nhà nghỉ trong vườn, kêu đứa con vừa tốt nghiệp ngành kinh tế ngoại thương về phụ giúp… “Có công ty du lịch tận châu Phi đến tham quan, quay lại rồi đưa lên mạng, bán tour. Các công ty du lịch Việt Nam cũng làm vậy. Và đó là cơ hội để lò hủ tiếu chuyển sang làm du lịch…”, ông Hoài kể lại.
Hủ tiếu, món ăn dân dã, quen thuộc khắp Nam bộ cả mấy trăm năm đã mang nét mới, đầy sáng tạo, hòa nhập thị trường khá ấn tượng, nhẹ nhàng len lỏi vô sâu đồng bằng, vào tận con hẻm ven đô này. Xin chào món mới châu thổ, pizza hủ tiếu.
VŨ THỐNG NHẤT