2 tháng qua, mỗi ngày có hàng trăm tấn heo được thu gom từ khắp nơi trong cả nước để chở ngược lên cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) xuất sang Trung Quốc. Năm hết tết đến, người dân không khỏi lo ngại tình trạng thiếu thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo vào dịp tết, giá cả cũng sẽ leo thang. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định vẫn có đủ thịt cho thị trường Tết Tân Mão năm nay.
Thâm nhập “chợ” heo
Ông Vũ Đức Triển, một người dân ở thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh), kể: “Cứ vào buổi tối, dọc quốc lộ 18A lại nườm nượp các loại xe chở heo lên Móng Cái. Heo không chỉ của miền Bắc mà còn thu gom tận các tỉnh thành ở miền Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, cả Cần Thơ, Đồng Tháp”.
Theo chỉ dẫn của ông Triển, chúng tôi lên đường đi Móng Cái nằm cách TP Hạ Long 200km. Dọc đường, quả nhiên liên tục gặp các xe tải chở heo đậu la liệt trong các bãi. Để tìm hiểu con đường đưa heo “vượt biên”, chúng tôi làm quen với một “lái” tên Thượng, dân Hưng Yên. Anh Thượng cho biết, toàn bộ heo chở lên Móng Cái đều phải đưa về một bãi tập kết nằm cuối bờ sông Ka Long, nhìn sang bên kia là Trung Quốc. Theo chân Thượng, chúng tôi mò vào trong bãi.
Ở đây, hàng trăm xe tải đang thi nhau “lùa” heo xuống. Tiếng heo kêu eng éc, rát cả tai. Mùi phân heo bốc lên nồng nặc. Trên xe, hàng trăm “cửu” áo quần lấm lem, bê bết đang thi nhau đánh vật với đàn heo béo ục ịch. Có những ánh mắt nhìn khách lạ với vẻ hồ nghi, dè chừng! Bên dưới, hàng trăm “cửu” khác cũng đang gồng vai xoạc cẳng khiêng những chú heo xuống tàu để chở qua sông sang đất Trung Quốc.
Thượng tiết lộ, trước đây cũng từng xuất khẩu heo sang Trung Quốc, nhưng hồi đó được xuất theo đường chính ngạch nên các “lái” làm ăn một cách công khai, đàng hoàng và chính quyền cũng quy hoạch hẳn một “chợ heo” nằm ở cửa khẩu Lục Lầm - thuộc trung tâm TP Móng Cái. Tuy nhiên, sau đó có quy định cấm xuất khẩu heo thịt thì các “lái” đã chuyển sang làm ăn chui. Và họ đã tự “quy hoạch” ra “chợ heo” mới nằm ở cuối bờ sông Ka Long.
Chúng tôi quay trở về Trạm Kiểm dịch động vật Móng Cái. Ông trạm trưởng Nguyễn Minh Cường giãi bày: “Khoảng 2 tháng nay, lượng xe chở heo ngược lên Móng Cái nhiều tới mức chúng tôi cũng không thể kiểm soát nổi”. Ông khẳng định, toàn bộ heo xuất sang bên kia biên giới đều theo đường tiểu ngạch. Các chủ xe và chủ heo tìm mọi cách để đưa hàng “vượt biên” nên cơ quan chức năng không dễ ngăn chặn.
Theo thống kê của ông Cường, mỗi ngày có khoảng 40 - 50 xe tải chở heo từ các nơi về tập kết tại Móng Cái rồi đưa heo “vượt biên” qua Trung Quốc. Ông tính toán, mỗi xe chở trung bình khoảng 10 tấn heo thịt. Tổng cộng mỗi ngày có khoảng 500 tấn heo đưa sang Trung Quốc.
Lý giải nguyên nhân heo ào ạt sang Trung Quốc mặc dù đã có lệnh cấm xuất khẩu, ông Cường cho rằng, do tỷ giá đồng nhân dân tệ lên quá cao, trong khi ở bên kia, các tư thương Trung Quốc lại ra sức thu mua heo thịt của Việt Nam nên các “lái” ở trong nước cũng hối hả thu gom đưa lên Móng Cái bán cho họ.
Mừng hay lo?
| |
Những năm trước, thông thường vào dịp cuối năm, các loại gia súc, gia cầm của Trung Quốc ào ạt nhập lậu vào nước ta thông qua 3 cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái. Tuy nhiên, năm nay có sự đổi chiều và các chuyên gia của Bộ NN-PTNT nhận định đây là một hiện tượng “lạ” và các thương lái Trung Quốc chỉ chọn mua loại heo to với trọng lượng từ 80 - 120 kg/con.
Có điều, hoạt động xuất khẩu heo theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc hiện trái quy định của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương nhưng không thấy cơ quan nào ngăn chặn cả. Trong đó, cụ thể là trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường, cơ quan kiểm dịch động vật của tỉnh Quảng Ninh.
Song về việc này, hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau. Có người cho rằng tình trạng heo ồ ạt sang Trung Quốc sẽ thiếu hụt nguồn thực phẩm trong nước vào dịp tết. Người lại nói xuất khẩu sẽ tạo cú hích cho chăn nuôi trong nước, cơ hội để nông dân làm ăn có lãi.
Tuy nhiên, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết tính đến thời điểm này, tổng đàn heo trong cả nước đang có 27,3 triệu con với tổng sản lượng thịt hơi đạt trên 3 triệu tấn, tăng hơn 3% so với năm 2009. Trong khi sản lượng gia cầm năm nay cũng tăng tới gần 100.000 tấn, từ 528.000 tấn lên 615.000 tấn thịt với số lượng 300,4 triệu con.
Trong khi đó, đàn bò thịt tuy giảm 3% nhưng sản lượng thịt vẫn đạt 278.000 tấn, tăng 6%. Sản lượng thịt trâu ước đạt 84.200 tấn, tăng 6,5%. Từ đó, ông Giao đưa ra nhận định: “Với lượng thực phẩm dồi dào như trên, đáp ứng đủ cầu tiêu dùng cả trước, trong và cả sau Tết Tân Mão”.
Mặc dù chúng ta lo ngại không đủ thịt heo nhưng trên thị trường giá bán lẻ thịt heo tại các chợ hiện vẫn đang ở mức cao: thịt mông sấn 75.000 đồng/kg, nạc vai 80.000 đồng/kg, thịt thăn 90.000 đồng/kg. Còn thịt gia cầm mặc dù sản lượng tăng, nhưng dự báo vào thời điểm cận tết giá vẫn tăng thêm 10% - 15% so với mức giá hiện nay và có thể nguyên nhân không do thiếu thịt mà do “hội chứng tâm lý cuối năm”.
Hạn chế xuất khẩu
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, hiện nay Bộ NN-PTNT đã điều tiết việc xuất khẩu thịt heo theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Hiện chỉ còn khoảng 20 - 30 xe mỗi ngày. Bộ Công thương cũng không khuyến khích việc xuất khẩu thịt heo trong thời điểm từ nay tới Tết Tân Mão. Đề nghị các doanh nghiệp nên hạn chế sản lượng heo xuất khẩu. “Từ nay đến tết, các doanh nghiệp chỉ nên xuất khoảng 10.000 tấn heo hơi để giữ khách hàng” - ông Tần nói.
Sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ rà soát việc xuất nhập khẩu các sản phẩm thịt, theo hướng không khuyến khích xuất khẩu thêm thịt heo, chú trọng đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.
PHÚC HẬU