Ngày 6-4, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans và Ủy viên phụ trách di cư của Liên minh châu Âu (EU) Dimitris Avramopoulos đã công bố gói đề xuất mới của EC về việc cải cách hệ thống tiếp nhận người tị nạn của EU. Gói đề xuất mới nhằm tăng cường kiểm soát khu vực biên giới bên ngoài quốc gia liên quan tới nạn di cư, khủng bố. Dự thảo này cũng dự báo đã đến lúc khai tử Hiệp ước Dublin trước đây.
Hai phương án
Theo Reuters, EC cho biết các vụ khủng bố vừa qua đã buộc châu lục này tập trung cao vào nhu cầu cần thiết phải tham gia và tăng cường quản lý biên giới của Liên minh châu Âu (EU), nạn nhập cư, và hợp tác an ninh. Trong một tuyên bố ngày 5-4, Giám đốc Europol Rob Wainwright cho biết các tay vũ trang Hồi giáo đã lẻn vào châu Âu từ các dòng người di cư hỗn loạn, như thủ phạm gây ra vụ tấn công ở Paris, đã từ Syria qua Hy Lạp rồi đến Pháp. Bởi vì tội ác có thể xảy ra qua biên giới, nên EU cần nâng tầm phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát để chống lại mối đe dọa này.
Tình cảnh người di cư tại các khu vực biên giới
Theo phác thảo, hệ thống kiểm soát mới sẽ được áp dụng vào năm 2020 để đăng ký dữ liệu của các công dân ngoài EU, bao gồm dấu vân tay và hình ảnh khuôn mặt… Mặc dù không mới mẻ, nhưng các biện pháp này được nâng cao kỹ thuật và được lực lượng hải quan biên giới áp dụng và kết nối chặt chẽ hơn, không rời rạc như trước đây.
EC đưa ra hai phương án cải cách, trong đó phương án 1 là tạo ra một cơ chế công bằng, theo đó có thể tái bố trí những người tị nạn đã đến các quốc gia nằm ở tuyến đầu tới một khu vực nào đó trong EU. Phương án 2 có thể tạo ra một hệ thống mới, theo đó những người xin tị nạn sẽ được phân chia về các nước EU theo một tỷ lệ và tiêu chuẩn nhất định.
Hủy bỏ Hiệp định Dublin?
Sau khi cuộc khủng hoảng nhập cư leo thang, nhiều nước trong EU đã kêu gọi đã đến lúc nên sửa đổi Hiệp định Dublin. Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho rằng hệ thống tiếp nhận người tị nạn theo quy tắc Dublin, được áp dụng từ trước đến nay trong EU, trong đó quy định những quốc gia đầu tiên người tị nạn đặt chân đến phải có trách nhiệm tiếp nhận, đã trở nên lỗi thời và bộc lộ nhiều bất cập khi đương đầu với cuộc khủng hoảng người di cư trong thời gian qua. Italia và Hy Lạp là hai nước chịu sức ép quá tải do dòng người di cư luôn đổ đến hai nước này đầu tiên. Chính sự bất hợp lý của hệ thống Dublin đã tạo ra nhiều mâu thuẫn lớn trong nội bộ EU thời gian qua. Vì vậy, EU cần một hệ thống bền vững trong tương lai dựa trên những nguyên tắc chung, phân bổ người tị nạn có hiệu quả hơn và nâng cao trách nhiệm hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư được coi là lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Trong lúc này, bất chấp việc thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai, dòng người tị nạn vẫn tiếp tục đổ về Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ, dù số lượng ít hơn. Trong ngày 5-4, đã có 225 người tị nạn mới từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các đảo của Hy Lạp trên biển Aegean. Tuy nhiên, trong ngày thứ 3 triển khai thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình khá yên ắng. Trong số khoảng 3.000 người di cư trên các đảo ở Hy Lạp, phần lớn đã nộp đơn xin tị nạn và trong khi chờ xét đơn, họ sẽ vẫn ở lại Hy Lạp và thời gian này có thể kéo dài nhiều tuần. Lý do xử lý chậm là do Hy Lạp cần tới 400 nhân viên từ các nước EU để giúp xử lý hồ sơ tị nạn, song thực tế lực lượng này mới có khoảng 30 người.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ngày 5-4 cho biết, kể từ đầu năm đến nay, 172.089 người di cư và tị nạn đã đến châu Âu bằng đường biển, trong khi 714 người đã bị thiệt mạng trên hành trình này.
HẠNH CHI (tổng hợp)