Mới đây, tại cuộc họp về công tác đảm bảo an toàn giao thông tại TPHCM, Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết: Trong 7 tháng đầu năm 2016, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và số người chết vì TNGT tại TPHCM tăng so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là đã có tới 34 người đi bộ chết vì TNGT.
Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường
Bức xúc về hiểm họa TNGT rình rập người đi bộ, nhiều người dân cho rằng cần phải gấp rút chấn chỉnh tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng để bán hàng rong, làm hàng quán, làm bãi xe, thậm chí làm ga ra sửa ô tô, khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường, dẫn đến TNGT. Đỗ Hải An, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, kể: “Cách đây vài ngày, tôi suýt chết dưới bánh xe buýt. Tôi cùng nhóm bạn đi bộ từ đường Mạc Đĩnh Chi về trường, đang đi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cả nhóm phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè bị chiếm dụng làm quán ăn uống và để xe máy. Vừa xuống đường đi được vài bước thì một chiếc xe buýt lao tới tấp vào lề trả khách, đầu xe tông vào lưng khiến tôi ngã nhào xuống đường. May mà tài xế xe buýt phanh kịp nên tôi chỉ bị trầy xước tay chân. Thật nguy hiểm khi phải đi bộ dưới lòng đường!”. Từng bị xe máy tông ngã khi đi bộ dưới lòng đường, phải bó bột tay, Trần Thanh Hà, sinh viên Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, cho biết: “Vỉa hè đường D2 khá rộng, cũng có vạch phân chia rõ lằn ranh, chừa phần dành cho người đi bộ, nhưng sinh viên tụi em chủ yếu phải đi dưới lòng đường, vì lúc nào vỉa hè ở đây cũng bị chiếm dụng đặt bàn ghế bán hàng ăn hoặc dựng xe máy, không có khoảng trống. Không riêng em mà nhiều bạn sinh viên đã gặp TNGT khi phải đi bộ dưới lòng đường”.
Từ thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Báo SGGP đã đến nơi, ghi nhận vỉa hè đường Hùng Vương từ giao lộ Sư Vạn Hạnh đến Nguyễn Duy Dương (phường 9, quận 5) đã bị rào làm thành bãi giữ xe 24/24 giờ, chỉ chừa lại lối đi rất hẹp bên trong sát tường vừa đủ 1 người đi, mất vệ sinh và có các trụ bê tông cùng tủ điện chắn lối, phải lách người mới qua được, nên chẳng ai dám chui vào trong đó để đi bộ, hầu hết người đi bộ qua đoạn này đều phải đi xuống lòng đường. Trên vỉa hè đường Lê Hồng Phong (quận 5), các hộ mặt tiền bày bán hàng hóa từ trong nhà lấn ra chiếm hết lề đường và cả xuống lòng đường. Cách đó không xa, quán Kim Cafe (đường Trần Phú, phường 4, quận 5) chiếm toàn bộ vỉa hè để làm bãi giữ xe và còn dựng xe lấn xuống lòng đường. Do vậy, người đi bộ phải đi ra giữa đường mới qua được đoạn này. Xung quanh nhiều bệnh viện cũng vậy, vỉa hè thường bị chiếm làm bãi giữ xe, bán hàng rong, đến mức chẳng còn một khoảng trống, thậm chí hàng rong tràn hẳn xuống lòng đường, người đi bộ phải đi ra giữa đường.
Bãi giữ xe chiếm dụng một đoạn vỉa hè trên đường Hùng Vương, chỉ chừa lại lối đi bộ phía trong rộng 50cm, bị tủ điện chắn và mất vệ sinh nên không ai dám đi
Đi bộ không đúng Luật Giao thông đường bộ
Ngoài ra, cũng có những trường hợp người đi bộ gặp TNGT khi băng qua đường không đúng Luật Giao thông đường bộ. Một số cầu không có lối đi dành cho người đi bộ nên dù có biển báo cấm đi bộ nhưng để đỡ phải mất nhiều thời gian và công sức đi vòng quá xa, nhiều người đi bộ liều mạng băng qua cầu, rất dễ bị xe máy va quẹt. Tại các tuyến đường, quốc lộ có rào chắn phân làn đường, nhiều người đi bộ vẫn liều leo rào băng qua đi tắt cho gần. Tại một số tuyến đường có lưu lượng xe đông đúc, đã có xây dựng cầu vượt bộ hành nhưng nhiều người đi bộ vẫn không sử dụng vì ngại lên xuống cầu thang, cứ băng bừa qua đường, gây ách tắc và mất an toàn giao thông. Ông Tư Tầm, chạy xe ôm, thường đứng chờ khách trước cổng Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết: “Tôi thấy rất ít người sử dụng cầu vượt bộ hành khi cần qua lại giữa hai cơ sở của bệnh viện này, ngay cả các bác sĩ, y tá. Khu vực này nhiều xe cộ qua lại, nên chuyện xe va quẹt với người đi bộ băng qua đường vẫn thường xuyên xảy ra. Nhiều người đi bộ băng qua đường rất tùy tiện, không qua cầu vượt bộ hành, mà cũng không cần đến giao lộ chờ lúc đèn đỏ dừng xe để băng qua trong vạch sang đường. Trong khi đó, nhiều người điều khiển phương tiện giao thông không chịu nhường người đi bộ, dù họ đi vào vạch sơn sang đường”.
Để không có thêm nhiều người đi bộ chết vì TNGT, cần phải chấm dứt ngay việc cho thuê vỉa hè và lòng đường để buôn bán, làm hàng quán, làm bãi xe. Khi đã trả lại vỉa hè cho người đi bộ, cần chú trọng việc nhắc nhở, xử phạt những trường hợp đi bộ không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ.
THU HƯỜNG