Hiểm họa rình rập tuổi thơ

Số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam đang không ngừng gia tăng, nhất là trong dịp hè, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ. 
Trẻ nhỏ cần được dạy bơi để phòng ngừa nguy cơ đuối nước
Trẻ nhỏ cần được dạy bơi để phòng ngừa nguy cơ đuối nước
Đáng báo động, trong các nguyên nhân gây tử vong thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu, khi trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 10 trẻ nhỏ bị “hà bá” cướp đi mạng sống. Và con số đau lòng này đang có chiều hướng gia tăng...
Ngày nào cũng có trẻ mất mạng
Liên tiếp các vụ đuối nước xảy ra gần đây đã khiến cộng đồng thực sự hoang mang, bất an về sự an toàn của môi trường sống dành cho trẻ nhỏ. Mới đây nhất vào sáng 13-7, một nhóm 6 em nhỏ rủ nhau ra bãi biển thuộc thôn Cửa Thôn (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) để tắm biển. Nhưng chưa đầy 15 phút sau, do bị sóng biển cuốn ra xa, 2 trẻ đã tử vong.
Còn trước đó ít ngày, ngay tại ao làng Sở Hạ (ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội), 3 trẻ em (13 - 14 tuổi) xuống ao bơi đã bị đuối nước, 2 thanh niên cùng thôn phát hiện nhảy xuống cứu cũng bị “hà bá” kéo đi luôn. Rõ ràng, tai nạn đuối nước đang vào giai đoạn cao điểm khi từ đầu mùa hè tới nay, gần như ngày nào trong cả nước cũng xảy ra vài vụ trẻ em thiệt mạng vì chết đuối. Phần lớn vụ đuối nước xảy ra là do trẻ em tự ý đi tắm sông, hồ, kênh, rạch mà không có phương tiện bảo hộ an toàn, hoặc không có người lớn giám sát. 
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp trẻ nhỏ bị ngạt nước, đuối nước rất thương tâm chỉ vì sự chủ quan và bất cẩn của người lớn. TS-BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, cho biết liên tiếp trong thời gian gần đây, BV đã tiếp nhận cấp cứu điều trị cho nhiều trẻ bị hôn mê, suy hô hấp do ngạt nước. Chỉ riêng ngày 9-7, có tới 3 trẻ nhỏ phải vào BV cấp cứu vì ngã xuống nước.
Trong số các bệnh nhi này, đau lòng nhất là trường hợp bé gái Nguyễn D.T. (18 tháng tuổi, ở Phú Thọ) bị ngã xuống ao trước cửa nhà. Mặc dù chỉ sau khoảng 3 phút đã được người nhà phát hiện và vớt lên, nhưng cháu bé đã trong tình trạng bất tỉnh, tím tái. Ngay sau đó, cháu bé được cấp tốc sơ cứu tại trạm xá rồi chuyển ngay đến BV Nhi trung ương, nhưng vẫn không qua khỏi vì tình trạng thiếu ôxy dẫn đến phù não cấp. Cũng theo TS-BS Tạ Anh Tuấn, đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong trường hợp được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể qua cơn nguy kịch nhưng vẫn bị biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ôxy kéo dài.
Đừng chủ quan
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, cho biết tai nạn thương tích ở trẻ em đang có xu hướng tăng và là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước đang phát triển. Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, ở nước ta, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó 6.600 trường hợp tử vong - chiếm 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. 
Trong khi đó, thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và gấp 6 lần các nước phát triển. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, tại các địa phương trong cả nước đã ghi nhận hàng chục vụ đuối nước xảy ra, cướp đi sinh mạng của trên 50 trẻ em. Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, cho biết tình trạng trẻ em ở nước ta bị đuối nước đang có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân khiến số vụ đuối nước xảy ra ở mức báo động, trong đó có những nguyên nhân khách quan như môi trường sống ở nhiều nơi không bảo đảm an toàn cho trẻ, còn nguyên nhân chủ quan là nhiều em ham chơi, trốn cha mẹ, người lớn tự ý đi bơi lội ở những khu vực ao, hồ, sông, suối nguy hiểm. Tệ hơn, không ít vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở những nơi mà người lớn biết rõ là có nguy hiểm nhưng đã coi thường, chủ quan, không hề có biển cảnh báo hay cắt cử người trông coi để ngăn chặn trẻ em tới vui chơi.
Trước tình trạng gia tăng trẻ bị đuối nước, nhất là vào mùa hè, mùa mưa lũ, Bộ Y tế chỉ rõ, người dân và cộng đồng cần giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước. Địa điểm xảy ra đuối nước thường ngay trong nhà hoặc gần nhà, trên đường trẻ đi học, gần nơi vui chơi của trẻ, các khu vực giếng nước, hồ, ao, mương, máng, biển, sông, hố nước của các công trình, hố trồng cao su hoặc dụng cụ chứa nước.
Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ; làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà - nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước; đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy); giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm; đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông. 
Trong các vụ trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên (từ sơ sinh đến 19 tuổi) tử vong mỗi năm, tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày. Về nhóm tuổi tử vong do đuối nước, trẻ sơ sinh - 4 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với khoảng 36%, nhóm 5 - 9 tuổi chiếm 25% và nhóm 10 - 14 tuổi chiếm 26%. 

Tin cùng chuyên mục