Hiểm họa trên các cung đường

Năm an toàn giao thông 2013 với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông” đã đi được non nửa thời gian. Thế nhưng mục tiêu giảm 5% - 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông xem chừng trở nên bất khả thi khi hàng loạt các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tục xảy ra trong thời gian gần đây gây rúng động dư luận.

Năm an toàn giao thông 2013 với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông” đã đi được non nửa thời gian. Thế nhưng mục tiêu giảm 5% - 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông xem chừng trở nên bất khả thi khi hàng loạt các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tục xảy ra trong thời gian gần đây gây rúng động dư luận.

        Phó thác tính mạng cho tài xế

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 4 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 9.643 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.364 người, bị thương 9.691 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 2.003 vụ nhưng lại tăng 12 người chết. Riêng trong tháng 4-2013, giao thông đường bộ đã xảy ra 2.031 vụ, làm chết 725 người, bị thương 1.870 người, so với tháng 3-2013 tăng 117 vụ (5,76%), số người chết tăng 88 người (12,1%).

Trong tháng 4-2013, đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bắc Ninh, làm chết 12 người, bị thương 2 người. Còn trong tuần đầu tháng 5-2013, Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho biết, đã có 145 người chết và 230 người khác bị thương vì tai nạn giao thông. Mới đây nhất là vụ tai nạn giao thông tại Long An làm chết 6 người, gây chấn động dư luận. Những con số đau lòng này thực sự đang là một thách thức đối với quyết tâm kiềm chế tai nạn giao thông của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các cơ quan chức năng, cũng là nỗi ám ảnh đối với hành khách trước mỗi cuộc hành trình.

Mặc dù những vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến xe khách, xe tải vẫn liên tục xảy ra thế nhưng số lượng hành khách trên các tuyến xe đường dài vẫn không hề giảm. Đơn giản vì nhu cầu đi lại của người dân rất cao và đi lại bằng đường bộ vẫn là sự lựa chọn phổ biến. Nhiều hành khách có cùng tâm sự, mỗi khi lên xe là họ phó mặc cho số phận và chỉ khi nào xuống xe thì mới biết mình được an toàn. Cũng có hành khách chia sẻ, đi trên các chuyến xe ban ngày họ không ít lần thót tim bởi các tài xế “khoe” tay lái lụa, phóng nhanh, vượt ẩu, nhiều khi chỉ là thoát hiểm trong tích tắc; còn đi những chuyến xe đêm dù giúp tiết kiệm thời gian nhưng nguy cơ đối diện tử thần cũng cao hơn bởi đường xa thanh vắng, lái xe có thể ngủ gật bất ngờ. Anh Hoàng Vinh, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, một hành khách thường xuyên của tuyến Hà Nội - Nha Trang cho biết: “Khi đã lên xe thì lái xe là “tối cao”, nếu may mắn được bác tài cẩn thận thì chuyến đi nhẹ nhàng, không may phải bác tài chạy ẩu thì vừa mệt, vừa “tổn thọ” vì lo sợ trong suốt hành trình”.

        Công tác quản lý chưa hiệu quả

Đài Truyền hình Việt Nam vừa có một phóng sự nói về tình trạng lái xe tải nghiện ma túy. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện chưa có thống kê cụ thể con số bao nhiêu nhưng cuối năm nay, Ủy ban sẽ phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) tiến hành khảo sát, đánh giá việc sử dụng chất gây nghiện trong đội ngũ lái xe, sẽ có số liệu cụ thể hơn.

Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cũng cho biết, thực tế đã có những vụ lái xe gây tai nạn giao thông đã bị AIDS ở giai đoạn cuối và có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do lái xe nghiện ma túy, không làm chủ được bản thân… Như vậy, ngoài những vấn đề chủ quan của lái xe như bất chấp tính mạng, bất chấp pháp luật chạy quá tốc độ, còn có vấn đề chưa kiểm soát được tình trạng lái xe sử dụng chất gây nghiện. “Phải có khảo sát, đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp để xử lý vấn đề này càng sớm càng tốt, bởi còn những lái xe “bệnh hoạn” đang cầm vô lăng trên đường thì tính mạng của người dân còn bị đe dọa”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Các cơ quan chức năng ghi nhận kỹ năng xử lý tình huống của đội ngũ lái xe hiện nay rất kém. Đó là hệ lụy từ việc đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe chưa toàn diện, nâng cao về chất lượng. Bộ GTVT đã kiểm tra công tác đào tạo, cấp phép, giảm tối đa tình trạng gian lận trong thi cử nhưng “lỗi” ở đây lại nằm trong chính nội dung, thực hiện quy trình đào tạo. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện công tác sát hạch vẫn bắt buộc phải có sát hạch đường dài trước khi được nhận bằng nhưng thực tế là các trung tâm đào tạo lái xe thực hiện chưa nghiêm. Điều đó dẫn đến việc lái xe có bằng lái nhưng hầu như không có các kỹ năng xử lý tình huống thực tế, chủ yếu phụ thuộc vào ý thức riêng của mỗi người lái xe và kinh nghiệm của họ. Được biết, bắt đầu từ 1-7 tới đây, đề án đổi mới về công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe sẽ triển khai, trong đó đưa thêm nội dung đào tạo về đạo đức, tăng thêm các kỹ năng xử lý tình huống thực tế của lái xe.

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung giải quyết các nguyên nhân gây tai nạn như kiểm soát tốc độ, quản lý xe khách. Trong đó, giải pháp được cho là hữu hiệu trong việc quản lý, xử lý vi phạm của cả người điều khiển phương tiện lẫn doanh nghiệp sở hữu phương tiện là khai thác tối đa tính năng thiết bị giám sát hành trình. Quy định về lắp đặt hộp đen đối với phương tiện vận tải, đặc biệt là ô tô chở khách đã được triển khai thực hiện từ suốt hơn 2 năm qua. Đến nay đã có hơn 41.500 phương tiện lắp đặt hộp đen, chiếm tới 94% số phương tiện diện phải lắp. Trong đó riêng xe chở khách chạy tuyến cố định đã đạt tỷ lệ 96% xe lắp hộp đen. Tuy nhiên, do việc lắp đặt chủ yếu để đối phó nên thiết bị hiện đại này đã bị… vô hiệu. 

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục