Hôm nay 30-7, là thời hạn chót mà Argentina phải trả nợ 1,3 tỷ USD cho NML Capital và Aurelius Management. Khi nguy cơ Argentina bị vỡ nợ kỹ thuật ngày càng đến gần thì vai trò thật sự của các quỹ đầu tư mạo hiểm như NML Capital và Aurelius Management đã bị phơi bày toàn bộ. Mang danh là quỹ đầu tư nhưng lại hoạt động dưới hình thức trục lợi, gây lũng đoạn nền kinh tế hàng loạt quốc gia trên thế giới.
Nguyên nhân vỡ nợ
Bất chấp sự thỏa hiệp từ Chính phủ Argentina, NML Capital và Aurelius Management liên tục từ chối tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của Buenos Aires, tức là cho giảm nợ hoặc hoãn nợ. Trước thái độ của NML Capital và Aurelius Management, Chính phủ Argentina khẳng định sẽ không thể bị vỡ nợ và chống lại đến cùng phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ cũng như sẵn sàng quyết chiến với hai quỹ đầu tư này. Bộ Thương mại Argentina tuyên bố NML Capital và Aurelius Management đang “phỉ báng và đe dọa cả đất nước Argentina”.
Không khó để nhận thấy phán quyết này đã làm cho nhiều người Argentina hoang mang trước viễn cảnh kinh tế không mấy tươi sáng. Nếu Argentina vỡ nợ, nhà đầu tư sẽ mất hết niềm tin vào khả năng trả nợ của nước này, lãi suất chính phủ Argentina phải trả sẽ tăng lên. Argentina buộc phải in tiền để trả cho các chủ nợ và cuối cùng nền kinh tế lại có thể lâm vào khủng hoảng. Hậu quả thấy ngay trước mắt là chỉ sau vụ xiết nợ quyết liệt của NML Capital và Aurelius Management, Tổ chức đánh giá tín dụng Standard & Poor’s đã hạ mức tín nhiệm của Argentina xuống mức CCC - mức thấp nhất trên thế giới.
Trở lại năm 2001, thời điểm Argentina bước vào thời kỳ tăng trưởng ngoạn mục. Thành công khuyến khích chính phủ ào ạt vay ngoại tệ thiếu cân nhắc, dẫn đến sự tiêu xài quá mức trong khi nguồn thu nội tại chỉ còn trông chờ vào thuế do các doanh nghiệp nhà nước đã bị tư hữu hóa gần hết. Thâm hụt ngân sách vọt lên mức không còn khả năng bù đắp, Argentina không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cầu cứu các nguồn tín dụng bên ngoài. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lúc đó lại từ chối giải ngân khoản cho vay theo thỏa thuận. Và 19 ngày sau, ngày 24-12-2001, Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ.
Vụ vỡ nợ tạo cơ hội làm ăn cho các nhà tài trợ tư bản. NML Capital và Aurelius Management đã dùng hình thức mua lại trái phiếu của Argentina với giá chỉ bằng 20% giá trị trên sổ sách và giúp nước này thoát nợ. Nhưng chỉ hơn 10 năm sau, với sự hỗ trợ của hệ thống tòa án, hai quỹ đầu tư này đòi Argentina phải trả một số tiền gấp nhiều lần số công trái mà các quỹ này đã mua lại với giá rẻ mạt. Thông thường, tỷ lệ lợi nhuận mà các quỹ đầu tư trục lợi thu được nếu thắng kiện thường là từ 3 đến trên 40 lần, có trường hợp đến 200 lần giá trị họ bỏ ra ban đầu. Theo Bussiness Insider, hoạt động xiết nợ của các quỹ này đã hút đi một phần lớn khoản tiền cứu nợ của các nước nghèo và chuyển vào tài khoản của những kẻ giàu, khiến cho các chương trình an sinh xã hội bị gián đoạn, phá hỏng những nỗ lực giảm nghèo. Giới truyền thông đã mỉa mai gọi các quỹ này là các quỹ kền kền - chỉ chực trông chờ các quốc gia lâm nợ, vỡ nợ để bâu vào xâu xé.
Những nạn nhân khác
Hiện có ít nhất 30 quốc gia, trong đó có những quốc gia nghèo nhất thế giới, như Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Angola, Cameroon, Congo, Ethiopia, Liberia, Mozambique, Niger, Tanzania và Uganda trở thành nạn nhân của các quỹ đầu tư trục lợi, thường xuyên bị đe dọa hoặc bị kiện tụng ra tòa để buộc trả những khoản tiền cao ngất ngưởng, vượt quá khả năng chi trả của họ.
Vào năm 1979, Donegal International, một quỹ đầu tư thuộc Tổ chức Debt Advisory International đồng ý mua trái phiếu của Zambia với mức giá 3 triệu USD. Và đến năm 2007, Donegal International kiện Chính phủ Zambia đòi số tiền 55 triệu USD. Tòa phán quyết cho Donegal International được hưởng số tiền 15 triệu USD, gấp 5 lần số nợ mua ban đầu. Năm 2012, Quỹ đầu tư Elliott đã trở thành cái tên được biết đến rộng rãi khi được xử thắng 58 triệu USD trong vụ kiện đòi nợ Cộng hòa Peru. Trước đó, từ tháng 1 đến tháng 3-1996, Elliott thâu tóm các khoản vay ngân hàng thương mại bị vỡ nợ của Peru với mức giá chỉ 11,4 triệu USD.
Trước sự tung hoành của các quỹ đầu tư trục lợi đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu chính quyền Mỹ phải chế tài mạnh mẽ các quỹ này. G-8 cũng từng lên tiếng cảnh báo về tác động tiêu cực từ hoạt động của các quỹ trên. Vào năm 2008, Quốc hội Mỹ đã giới thiệu một dự luật mang tên Luật chấm dứt quỹ đầu tư mạo hiểm, được một số nghị sĩ ủng hộ, nhưng rốt cuộc dự luật đã không được ban hành.
Sau khi Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf kêu gọi giúp đỡ trước sự đe dọa từ các quỹ đầu tư trục lợi với khoản xiết nợ 3 triệu USD, Quốc hội Anh thông qua Luật giải nợ các nước phát triển vào năm 2010. Luật này quy định khống chế cách thu nợ và mức tiền nợ mà các quỹ đầu tư trục lợi có thể thu được. Sau đó, Chính phủ Liberia chỉ phải trả 1 triệu USD. Các chuyên gia nhận định việc cho ra đời luật pháp khống chế việc đòi nợ công của các quỹ đầu tư trục lợi đã giúp bảo vệ các quốc gia đang phát triển giảm bớt gánh nặng nợ bất hợp lý do các quỹ này tạo nên.
Hiện nay, nhiều nước đã cấm hẳn việc các quỹ đầu tư thu nợ thông qua tòa án. Nhưng với sự dẫn dắt “tài tình” của tỷ phú người Mỹ Paul Singer, người đứng đầu một nhóm các quỹ đầu cơ và cũng là một cựu luật gia, các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn còn đất sống khi biết cách lách luật và thuyết phục các tòa án ở Mỹ. Đây là những kẽ hở khiến các “kền kền” tiếp tục nhòm ngó đến các khoản nợ công bằng việc mua trái phiếu giá rẻ mạt tại Ireland và Hy Lạp, gây cản trở kế hoạch phục hồi kinh tế tại các quốc gia này.
HOÀNG THANH