Hiểm họa từ cửa cuốn

Trong vụ cháy nhà tại TP Hải Phòng tuần qua, nếu lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không kịp thời đến cứu hộ, hậu quả sẽ vô cùng khốc liệt. Ngọn lửa phát ra tại khu vực tầng 1 của ngôi nhà 5 tầng trong một hẻm nhỏ. Với thiết kế nhà ống, cửa cuốn, rất khó cho 5 người trong căn nhà bị cháy thoát hiểm, và cũng rất khó giải cứu họ.

Trong vụ cháy nhà tại TP Hải Phòng tuần qua, nếu lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không kịp thời đến cứu hộ, hậu quả sẽ vô cùng khốc liệt. Ngọn lửa phát ra tại khu vực tầng 1 của ngôi nhà 5 tầng trong một hẻm nhỏ. Với thiết kế nhà ống, cửa cuốn, rất khó cho 5 người trong căn nhà bị cháy thoát hiểm, và cũng rất khó giải cứu họ.

Ở các đô thị nước ta, nhà phố thường theo dạng nhà ống. Nhà này san sát nhà kia, rất ít nhà có cửa hông hay cửa hậu để thoát hiểm. Về sau này, để ngăn ngừa trộm đột nhập, nhiều nhà còn tự tạo thêm hiểm họa cho mình khi lắp đặt cửa cuốn, vận hành bằng điện.

Đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết: “Dù được trang bị dụng cụ hiện đại, nhưng cảnh sát chữa cháy cũng gặp khó khăn khi phá cửa cuốn để chữa cháy và cứu người bị nạn. Trong tình thế “dầu sôi, lửa bỏng”, điện bị cắt, hệ thống quay tay để mở cửa nằm bên trong nhà, các lá thép bùng nhùng, nên rất khó phá cửa để tiếp cận ngọn lửa”.

Do vậy, sau khi xảy ra các vụ cháy có hậu quả nghiêm trọng liên quan đến nhà ống, cửa cuốn, cảnh sát PCCC đã nhiều lần cảnh báo không lắp đặt cửa cuốn cho nhà ở, hoặc nên lắp đặt thêm ô cửa nhỏ ở một góc cửa cuốn, dạng cửa “mẹ bồng con” để có lối thoát hiểm. Thiết kế cửa dạng này không quá khó và cũng không ảnh hưởng đến việc bảo vệ tài sản cũng như thẩm mỹ của cửa cuốn.

Thế nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều nhà xem thường hiểm họa, vẫn lắp đặt cửa cuốn không có lối thoát hiểm. Với nhà ống, việc trang bị thang dây, thiết bị chữa cháy ở mỗi tầng cũng như lối thoát nạn ở từng tầng cũng là điều cần thiết để phòng thân khi có sự cố.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục