Hiểm họa từ Internet

Vài giờ sau vụ tấn công tại tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo ngày 7-1, trên Internet xuất hiện hàng loạt những thông điệp hả hê: “ngọn lửa chiến tranh đã chạm tới Paris”, “cuộc đối đầu chỉ mới bắt đầu” hay “nụ hôn nồng thắm từ Syria. Bye bye Charlie”. Những bình luận trên chắc hẳn thuộc về những kẻ cực đoan với ý đồ kích động thù hằn, bạo lực.

Nếu như Internet ra đời với mục đích kết nối người với người trên khắp hành tinh thì giờ đang trở thành một loại vũ khí cho những kẻ gieo rắc ác mộng cho hòa bình thế giới.

Tờ Le Figaro cho biết, hiện các nhóm khủng bố sử dụng Internet để tuyên truyền, chiêu dụ các tay súng, lên kế hoạch tấn công khủng bố. Tờ Inspire, tạp chí bằng tiếng Anh của al-Qaeda, phổ biến trên mạng là ví dụ điển hình. Tạp chí được phát hành theo từng quý từ năm 2010 với hình thức không khác gì với các tạp chí chuyên nghiệp. Romain Caillet, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu cận Đông của Pháp, cho biết, nếu như cách đây 10 năm, những kẻ Hồi giáo cực đoan lui tới các diễn đàn một cách bí mật thì ngày nay các giao tiếp trên mạng ngày càng công khai. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan tập trung vào những trang web dễ đăng nhập và có đông người tham gia, nhất là tại các quốc gia phương Tây.

Việc các nhóm khủng bố dùng Internet để tuyên truyền không có gì mới, nhưng với sự xuất hiện các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… đã khiến chúng lan rộng với tầm mức chưa từng thấy. Nhờ vào Internet, các lực lượng thánh chiến được hỗ trợ truyền thông một cách hữu hiệu. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có hẳn một cơ quan truyền thông mang tên Trung tâm truyền thông al-Hayat. Các dòng tweet và video được phát nhiều lần bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau dưới sự trợ giúp của những người ủng hộ chúng. Ngoài ra, IS còn có cả tạp chí riêng là Dabiq, giờ cũng được phát hành bằng tiếng Pháp. So với al-Qaeda trước đây, chất lượng hình ảnh do IS đưa lên trên mạng được cải thiện rất rõ khi các vụ sát hại con tin giờ được quay bằng các thiết bị chuyên nghiệp với chất lượng cao. Vụ sát hại nhà báo Mỹ James Foley là một minh chứng cụ thể. Không chỉ làm khiếp hãi người dân, IS còn dùng mạng để chiêu dụ những ai dễ bị cám dỗ. Để “nhân đạo hóa” cuộc chiến của chúng và thu hút các ứng viên, IS cho xen kẽ những hình ảnh đẫm máu với những bức ảnh lấy thiện cảm người xem như bữa ăn thân thiện giữa các tay súng cực đoan.

Trước thực trạng này, rất nhiều ý kiến đã ủng hộ việc kiểm soát thông tin trên mạng. Nhiều quốc gia đã thông qua đạo luật, biện pháp kiểm soát thông tin như các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải chịu trách nhiệm các nội dung đăng tải, không được phép đăng tải những nội dung cổ vũ những tội ác chống nhân loại, khơi dậy thù hận chủng tộc... Tại Pháp, chính phủ nước này mới đây đã thông qua một đạo luật chống khủng bố, trừng phạt những ai thường xuyên xem những website trực tiếp kêu gọi hành động khủng bố hay cổ vũ cho hành động này. Tuy nhiên, đạo luật này gặp phải sự phản đối dữ dội của các nhà cung cấp mạng khi họ cho rằng nó có thể cản trở quyền tự do ngôn luận. Có thể nói, vụ thảm sát tại Charlie Hebdo đang làm trỗi dậy cuộc tranh luận giữa kiểm soát thông tin và quyền tự do ngôn luận.

Văn Đỗ

Tin cùng chuyên mục