Hiếm và khó

Vấn đề hiếm và khó của phim truyện truyền hình về đề tài truyền thống và lịch sử của ta là có thật. Một sự thật buồn.

Không buồn sao được khi mà một dân tộc có hơn 4.000 ngàn năm lịch sử, hàng núi sự kiện, có biết bao anh hùng hào kiệt lẫy lừng mà số đầu sách, số phim về lịch sử, truyền thống cũng chỉ đếm đầu ngón tay, ngay cả lịch sử cận đại và cuộc kháng chiến vừa qua cũng là “của hiếm”! Đừng nói chi đến chuyện so sánh thể loại này của ta với các nước gần ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tại sao vậy?

Trước hết đã là lịch sử thì phải viết đúng hiện thực. Cũng đồng ý rằng trong văn học, nghệ thuật người ta có thể “mô-đi-phai” (modify, sửa đổi) đôi chút nhưng nếu thiên tả hay thiên hữu quá đến nỗi nó trở nên ngớ ngẩn thì những khán giả có hiểu biết rất khó chịu. Phim truyền thống lịch sử viết đúng hiện thực thì tự bản thân nó là công cụ tuyên truyền tốt nhất nhưng nếu dùng mục đích tuyên truyền để “sửa gọt” truyền thống lịch sử lại là tai hại.

Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc ta, ta vẫn nói đến hai chữ “Bi Hùng” cũng như “Máu và Hoa”, như vậy hiển nhiên lịch sử chấp nhận nó. Không có “Bi” thì làm gì có “Hùng”, không có “Máu” thì làm gì có “Hoa”. Ấy vậy mà khi kịch bản nào đó đụng đến “Bi” thì bị coi là “đụng chạm” rồi bị “mổ xẻ”. Nếu đã ra phim rồi thì dễ bị “cắt” vì lý do “tế nhị”. Chúng ta vẫn nói là chúng ta đã đánh bại những tên đế quốc “sừng sỏ bậc nhất thế giới” nhưng khi viết về đối phương thì phải mô tả họ là những đội quân nhếch nhác, tướng tá của họ thiếu tư cách, đủ tật xấu, dốt nát, trụy lạc... còn ta phải “trên trời” thì mới đúng, phải là “ta thắng địch thua”. Việc làm này nó phản tuyên truyền và cao hơn nữa là xem nhẹ sự hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta. “Đánh đấm” với đối phương kém cỏi vậy thì “Hùng” cái nỗi gì (?), trong khi đó chúng ta hy sinh mất mát ra sao ai mà chẳng biết! Ngay cả chuyện “cái trái, cái phải” trong phim truyền thống lịch sử cũng là vấn đề cần phải bàn, có khi cái “trái” trong cục bộ nó sẽ nói được cái “phải” của toàn cục, người duyệt phim cứ thấy cái trái là cắt thì còn đâu là ý tưởng của tác giả (!).

Những bộ phim như “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Huyền sử Thiên Đô”... của Nguyễn Mạnh Tuấn hoặc vài bộ phim khác nghe đâu các tác giả cũng chẳng vui vẻ gì vì chuyện “đụng chạm”. Phim về đề tài chiến tranh lại còn đáng phải “cân nhắc” hơn vì sợ “dính” đến đủ thứ, từ “quan điểm tư tưởng” đến phim trường, súng ống, đạn dược, cháy nổ, xe tăng, máy bay... Có khi ngồi còng lưng viết cả năm, tìm tòi hàng trăm tài liệu tham khảo mới cho ra được đứa con tinh thần của mình rồi bị “cắt trước gọt sau”, còn nhà sản xuất phim thì khỏi phải nói “hàng chục tỷ đồng làm phim đã ra đi, không hẹn ngày trở lại” (Báo SGGP ngày 5-5-2013). Họ hồi hộp đến thót tim.

Tôi là một người làm khoa học và đi dạy đại học, nhưng bản thân là một người lính quân y trong chiến tranh. Tôi ấp ủ một câu chuyện có thật, rất cảm động của một nữ thương binh tình báo của ta nhưng lại bị ta bắt trong đồn địch, đồng đội của chị đã hy sinh hết. Cả một câu chuyện dài! Hôm gặp anh Lê Điệp - một nhà viết kịch bản phim truyền hình có tiếng, chúng tôi nói chuyện với nhau về mảng đề tài này và ý định của tôi, anh cười rất hiền và đượm chút suy tư. Tôi hiểu ý anh muốn nói gì với tôi. Tôi hứa với anh và với chính mình là tôi sẽ viết, viết với tấm lòng của người tôn trọng lịch sử.

Chúng ta đang sống trong xu thế đổi mới toàn diện thì tại sao những quan niệm cũ, phi hiện thực, phi lịch sử lại vẫn tồn tại? Nó như những cái chắn ngang “barrier” đối với những tác phẩm về truyền thống lịch sử dân tộc. Hãy để cho những nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn có một “hành lang” đủ rộng cho sự sáng tạo. Những người viết về mảng đề tài này là không nhiều nếu không nói là họ sắp vào “sách đỏ quý hiếm”, những tác giả ấy cần được trân trọng, những tác phẩm của họ cần phải đánh giá đúng mức về giá trị lịch sử, văn học và công bằng về tài chính. Tôi nghĩ rằng những tác giả nổi tiếng hay chưa nổi tiếng, những nhà đạo diễn “gạo cội” hay mới vào nghề khi đã viết về mảng đề tài này họ có trái tim và lòng dũng cảm, chẳng ai muốn làm điều trái với lương tâm người cầm bút và đi ngược vấn đề lịch sử của dân tộc. Có như thế con cháu của chúng ta mới có thể hưởng thụ được những tác phẩm đúng nghĩa và vấn đề hiếm và khó sẽ phần nào được giải mã.

HOÀNG THẠCH

Tin cùng chuyên mục