Hiện đại hại điện

Kể từ khi Thomas Edison phát minh ra cái bóng đèn điện vào năm 1879, nhân loại đã có những bước tiến khổng lồ trong kỹ thuật chiếu sáng. Trải qua 135 năm không chỉ những dụng cụ chiếu sáng ngày một hoàn thiện thêm mà còn phải kể đến rất nhiều đồ điện được phát minh và đưa vào sử dụng rộng rãi.

Kể từ khi Thomas Edison phát minh ra cái bóng đèn điện vào năm 1879, nhân loại đã có những bước tiến khổng lồ trong kỹ thuật chiếu sáng. Trải qua 135 năm không chỉ những dụng cụ chiếu sáng ngày một hoàn thiện thêm mà còn phải kể đến rất nhiều đồ điện được phát minh và đưa vào sử dụng rộng rãi.

Năm 1932, người Pháp mới hoàn thành nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Hà Nội nằm trên đường đê Yên Phụ. Nhà máy có công suất khá nhỏ nhưng cũng đủ điện dùng cho Hà Nội và vài tỉnh lân cận suốt hơn 50 năm cho đến khi có thủy điện Sông Đà. Sau năm 1954 cho đến tận đầu thập niên 90, người Hà Nội chỉ có trong nhà nhiều nhất 3 chiếc bóng đèn tròn sợi tóc như thời Thomas Edison phát minh ra nó. Dĩ nhiên cái bật cái tắt. Chỉ khi nào nhà có hiếu hỉ mới thắp sáng cùng lúc cả 3 bóng đèn. Mùa hè có thêm chiếc quạt con cóc 35 đồng mua theo phiếu phân phối. Gọi là quạt con cóc vì trình độ cơ điện của nước mình lúc đó chưa đủ để làm chiếc quạt máy cánh nhựa ấy đứng im một chỗ mà thổi gió. Cứ vừa quay vừa nhảy lồm cồm trên nền nhà. Quạt tai voi Liên Xô do những du học sinh mang về là món đồ điện khá đắt giá lúc bấy giờ. Chỉ đứng sau những quạt máy Marelli, Calo thời Pháp còn lại. Nhà nào khá giả có thêm chiếc radio điện tử liền máy quay đĩa. Còn một thứ nữa trong nhà chẳng biết có nên gọi là đồ điện hay không? Đó là cái công tơ điện suốt ngày đêm quay lừ đừ chiếc bánh xe trắng có vạch đỏ đằng sau mặt kính. Nó chạy điện nhưng lại luôn chạy theo chiều ngược lại với mong muốn của người đứng tên làm chủ.

Người Hà Nội trải chiếu trên sân thượng những đêm mùa hè nằm ngắm sao trời và đón từng vụn gió Nam xua đi cái oi nồng. Nhà gần Bờ Hồ có thể mang chiếu ra đấy trải trên nền cỏ. Dế vỗ về ru giấc ngủ bình yên. Lúc ấy, khái niệm mất điện thật đơn giản tự nhiên như nó vốn phải thế. Chẳng nhà ai không có một chiếc đèn dầu và dăm cái quạt nan. Chẳng biết có phải vì tiết kiệm điện không mà ông Xuân Thủy, bạn bố tôi đến chơi nhà không bao giờ cho bật quạt máy. Cứ quạt nan phe phẩy suốt cả buổi chiều.

Điện chiếu sáng công cộng bật theo giờ. Lúc ấy mới chỉ có vài bóng đèn cao áp trên sân bay Nội Bài. Đi đón người nhà ban đêm trên ấy mang theo chiếc túi vải bắt được vô khối cà cuống bay đến vòm sáng đèn cao áp rụng xuống.

Bây giờ, đồ điện của một gia đình ở Hà Nội nhiều không kể xiết. Đột nhiên có ai đó hỏi nhà mình có bao nhiêu đồ điện chắc chắn câu trả lời sẽ sai. Cần phải ngồi nhẩm đếm ít nhất nửa giờ. Thử đếm bắt đầu từ cái bóng đèn. Nhà có 5 tầng vị chi là 10 phòng. Mỗi phòng có 2 chiếc đèn ống, 2 bóng đèn tròn trong chao thủy tinh gắn lên tường. 40 bóng đèn ấy cộng với 10 bóng đèn ban công và 10 bóng đèn cầu thang. Đèn bếp 2 bóng, đèn bể cá 2 bóng và 5 bóng đèn trong toilet. 10 đèn mắt trâu âm trần và đèn chùm phòng khách. Cộng lại đã thành 80 chiếc. Chưa kể đèn bàn làm việc và đèn sạc ắc quy phòng khi mất điện. Nhà có 5 người, dĩ nhiên không ai muốn xem ti vi của người khác. Thế là đủ 5 ti vi. Máy nghe nhạc cũng phải có ít nhất 3 bộ. Bếp điện, bếp từ 4 chiếc. Nồi cơm điện, lò nướng, lò vi sóng, lò nướng bánh mì, máy xay sinh tố. Tủ lạnh, tủ sấy máy ảnh, máy giặt, máy hút bụi, bàn ủi, quạt máy, máy lạnh, máy sấy tóc, máy nước nóng trong nhà tắm, máy bơm nước, ghế điện massage, máy may, máy khoan cầm tay, máy tính cá nhân, máy scan và máy in. Đó là còn chưa kể cái cửa cuốn chạy điện và những bộ sạc cho điện thoại di động, máy ảnh. Dùng hết sức tiết kiệm cũng phải trả tiền điện hàng tháng khoảng 1 triệu đồng.

Không biết nên vui hay buồn khi điện chiếu sáng công cộng ở thành phố bây giờ cực kỳ rực rỡ, phong phú. Đèn quảng cáo và đèn trang trí đua nhau tỏa sáng cả ban ngày. Những “phát minh” thắp sáng công cộng hình như đã mất kiểm soát từ khá lâu rồi. Hoa hoét, chim bồ câu thắp đèn nhấp nháy giăng ngang nhiều con phố. Nhà hàng, cửa hiệu quấn đèn nhấp nháy lên thân cây trước cửa. Đèn chùm li ti như mưa sao trùm kín các tán cây trên đường Điện Biên Phủ. Ngày lễ, đôi khi có hẳn một con phố treo chi chít đèn lồng nhập ngoại. Thế nhưng vẫn có vài công viên và những con đường tối mịt. Là nơi chị em “buôn hương bán phấn” hành nghề.

Giờ thì cũng không thể đếm hết được các nhà máy điện trên đất nước nữa rồi. Từ những nhà máy nhiệt điện, thủy điện tầm quốc gia cho đến máy phát thủy điện nhỏ đặt dưới suối của đồng bào vùng cao đã có mặt ở khắp nơi. Nhà hàng, khách sạn nào cũng phải có 1 máy phát chạy dầu để phòng khi mất điện. Duy có một điều không sao hiểu nổi. Đó là ngành điện không tuân theo một quy luật kinh doanh thông thường. Nghĩa là ai mua càng nhiều điện thì giá càng tăng theo lũy tiến mà không phải ngược lại. Gần 100 triệu “thượng đế” Việt của ngành điện có thể được vinh danh về lòng khoan dung chẳng sớm thì muộn.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục