Trên 2,6 triệu lượt người đến tham quan các bảo tàng tại TPHCM trong năm 2011 (chưa kể hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan tại 5 bảo tàng do các ngành và tư nhân quản lý) là một con số rất ấn tượng. Không ồn ào như bên ca nhạc, thời trang, nhưng tác dụng tích cực của bảo tàng đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân lại rất lớn, nên việc hiện đại hóa bảo tàng hiện nay là một nhu cầu cấp thiết.
Còn manh mún
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vừa phục vụ du khách tham quan tại chỗ, vừa tăng cường công tác giáo dục truyền thống bằng hình thức tổ chức hàng chục cuộc triển lãm lưu động đến với sinh viên học sinh, công nhân lao động, người dân vùng sâu vùng xa nhưng nhìn chung, các bảo tàng tại TPHCM vẫn chưa thật sự hấp dẫn.
Ngoài các địa chỉ thu hút người dân và du khách như: Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Lịch sử VN - TPHCM, đa phần các bảo tàng còn lại chỉ thu hút được lượng khách tham quan ít ỏi. Nguyên nhân do số lượng hiện vật chưa thật phong phú, hệ thống trưng bày còn đơn điệu, khô cứng, công tác giới thiệu thiếu sinh động, cơ sở vật chất và mặt bằng hạn chế.
Một thực tế cần phải nhìn nhận là phần lớn cơ sở vật chất cho ngành bảo tàng ở TPHCM hiện nay chưa đúng quy chuẩn. “Ở hầu hết các nước, ngay từ đầu người ta quy hoạch xây dựng bảo tàng với những tiêu chuẩn chuyên ngành rất rõ ràng, từ việc thiết kế, kiến trúc xây dựng, vật liệu, mỹ thuật, kỹ thuật đến không gian, màu sắc, ánh sáng… trong khi ở Việt Nam chúng ta tình trạng chung là tận dụng những mặt bằng sẵn có để làm bảo tàng”, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM bày tỏ.
Là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng, cũng là địa phương có số lượng bảo tàng nhiều nhất nước, lẽ ra ngành bảo tàng tại TPHCM phải được đầu tư tương xứng, nhưng thực tế ngành này có nguy cơ rơi vào tình trạng phát triển manh mún.
Nhu cầu hiện đại hóa
Có thể nói năm 2011 là tín hiệu vui của ngành bảo tàng TP khi UBND TPHCM phê duyệt kinh phí 7 tỷ đồng cho phương án trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy và trang thiết bị bảo vệ an toàn cho bảo tàng và hiện vật đối với 7 bảo tàng của TP, đồng thời có chế độ trợ cấp thường xuyên cho cán bộ viên chức bảo tàng, thư viện.
Về dự án mở rộng, nâng cấp các bảo tàng TPHCM, đến nay có 3 đơn vị là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM đã bước đầu hoàn thiện, các bảo tàng còn lại vẫn đang dang dở.
Tại TPHCM, mới chỉ có hai phòng trưng bày hiện vật văn hóa Óc Eo và Chămpa (trưng bày gần 500 hiện vật gồm những tác phẩm nghệ thuật và điêu khắc bằng vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm, gỗ, sa thạch, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm, lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng) của Bảo tàng Lịch sử VN - TPHCM được coi là hiện đại và đúng quy chuẩn nhất hiện nay.
Tại đây, hiện vật được trưng bày theo kiểu mẫu của ngành bảo tàng học hiện đại, gồm lựa chọn hiện vật, thiết kế trưng bày, ánh sáng, đồ họa. Cách trưng bày mới, hiện đại này vẫn tôn trọng được kiến trúc nguyên gốc của tòa nhà bảo tàng. Đây là chương trình của dự án Phát huy giá trị di sản bảo tàng Việt Nam do Chính phủ Pháp hỗ trợ thực hiện.
Theo thông tin mới nhất từ Sở VH-TT-DL TPHCM, lãnh đạo TPHCM đã có chủ trương xây dựng hệ thống bảo tàng TPHCM theo hướng hiện đại hóa. Hiện, Sở VH-TT-DL TPHCM và các ngành liên quan đang xây dựng đề án hiện đại hóa bảo tàng. Hy vọng về ngành bảo tàng TP phát triển, hiện đại, phù hợp với xu thế chung của các nước khu vực và thế giới là tương lai không xa.
"Các bảo tàng của thành phố hiện nay còn giữ khá nhiều hiện vật giá trị, tuy nhiên phải khẳng định một thực tế là những giá trị ấy chưa phát huy hết khả năng, một phần do năng lực chuyên môn và các trang thiết bị phục vụ cho ngành bảo tàng còn nhiều hạn chế" Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận |
MINH AN