Trong phần đầu của những năm 2000, khoảng 40% sản lượng lúa của ĐBSCL được xuất khẩu. Trong 2 năm gần đây, tỷ trọng này dao động ở mức 65% - 70%. Đây là thay đổi mạnh mẽ. Cũng có thể lập luận rằng, Việt Nam quá thành công trong phát triển thặng dư gạo ở ĐBSCL trong thập kỷ qua. Điều này buộc Việt Nam xuất khẩu một khối lượng lớn chưa từng có loại hàng hóa có giá trị tương đối thấp này.
Lúa gạo ĐBSCL đã có vai trò an ninh lương thực tầm quốc tế thay vì đóng vai trò trong nước trong thập kỷ qua” - đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) tại hội thảo “Lúa gạo, nông dân và phát triển nông thôn Việt Nam từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững”, diễn ra ngày 13-6 tại Cần Thơ. Đây là đánh giá với gam màu sáng. Tuy nhiên, tại hội thảo này ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực lúa, gạo đã chỉ ra nhiều tồn tại của nền sản xuất nông nghiệp trong vùng. Trong đó, nổi lên là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng với mức độ khốc liệt sẽ tác động mạnh đến vùng sản xuất lúa ĐBSCL.
Tình trạng trúng mùa, mất giá vẫn còn tái diễn, khoản thất thoát sau thu hoạch lên đến hàng trăm triệu USD/năm cũng như phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị của hạt gạo chưa công bằng là những thách thức với người trồng lúa trong vùng.
Chính phủ đã nhận ra những thách thức mà nông dân ĐBSCL phải đối mặt để có đủ thu nhập từ cây lúa. Nhiều người lo rằng, lợi nhuận sụt giảm sẽ làm người nông dân nản lòng và không tiếp tục trồng lúa. Điều này có thể đe dọa sự bền vững của những thành tựu khổng lồ về an ninh lương thực của Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.
Trên thực tế, nông dân ĐBSCL đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào canh tác như chương trình “3 giảm, 3 tăng” rồi “1 phải, 5 đúng”, tăng thêm thu nhập hàng ngàn tỷ đồng/năm. Song khoản thất thoát sau thu hoạch hiện nay gần như đã “tước mất giá trị” của sự gia tăng này. Số lượng máy gặt đập liên hợp quá ít, nông dân thu hoạch thủ công (cắt tay) vẫn còn lớn, gây thất thoát. Với sản lượng lúa 20 - 21,5 triệu tấn/năm, mỗi vụ lúa (đông-xuân, hè-thu, thu-đông) sản lượng lúa từ 5 - 9 triệu tấn. Song hệ thống kho tồn trữ trong chuỗi cung ứng lúa, gạo chỉ khoảng 1 triệu tấn, vừa thiếu lại không đảm bảo yếu tố kỹ thuật. Theo WB, các thất thoát này đã làm mất hơn 1 triệu tấn lúa và gây lãng phí gần 500 triệu USD.
Trong những năm gần đây, có gần 200 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu gạo. Phần lớn doanh nghiệp quy mô hoạt động rất nhỏ, khoảng 50% trong số này bán chưa tới 1.000 tấn/năm. Thương mại xuất khẩu thực tế tập trung ở 10 doanh nghiệp lớn với số lượng xuất khẩu chiếm đến 70%. Nói điều này để thấy, hệ thống kho chứa, tồn trữ lúa gạo yếu là lẽ tất yếu.
Các chuyên gia về lúa gạo cho rằng, điều cần làm hiện nay là hiện đại hóa dần chuỗi giá trị lúa, gạo theo hướng có những tiến bộ lớn về hiệu quả kỹ thuật. Một phần của quá trình hiện đại hóa này đòi hỏi đầu tư thêm về cơ sở vật chất: kho tồn trữ, hệ thống xay xát và hậu cần. Chính phủ nên quan tâm hơn đến quản lý rủi ro và các biện pháp liên quan. Một phần của hoạt động này bao gồm cải thiện hệ thống thông tin, đặc biệt trong dự báo mùa vụ, cảnh báo sớm về thời tiết, giám sát và cảnh báo sâu bệnh, giám sát lượng gạo tồn kho và có giải pháp hợp lý giải phóng gạo tồn kho để luôn giữ giá lúa ở mức ổn định, có lợi cho nông dân trồng lúa trong vùng.
Cao Phong