Với 70% dân số sống ở nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp luôn là vấn đề vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Vì thế, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời đến nay đã hơn 2 năm, tác động mạnh mẽ đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo động lực xây dựng nông thôn mới.
Triển khai Nghị quyết 26 đến nay nhìn chung các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện và đưa chính sách vào cuộc sống vẫn còn khó khăn, hạn chế, kinh tế nông nghiệp - nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và định hướng của Đảng, Nhà nước.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành cường quốc trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy hải sản. Nhưng người dân làm nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn vất vả và vẫn thuộc nhóm người nghèo nhất của xã hội. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn vẫn ở mức trên 2 lần. Tỷ lệ nghèo khu vực nông thôn (18,1%) cao gấp 6 lần khu vực thành thị (3,1%). Nông dân đang nảy sinh tâm lý chán ruộng vì thu nhập quá thấp, việc làm của thanh niên nông thôn đang là một bài toán nan giải. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Những bất cập lớn được chỉ ra là hiện ruộng đất cho canh tác đã quá manh mún, đất nông nghiệp ngày càng teo tóp. Hiện cả nước có 70 triệu thửa đất nông nghiệp nhưng chưa đến 4 triệu ha đất trồng lúa.
Theo Bộ NN-PTNT, bình quân mỗi năm có 73.300 ha đất nông nghiệp bị thu hồi, ảnh hưởng đến khoảng 2,5 triệu người. Trong 5 năm qua, diện tích đất nông nghiệp thu hồi trên toàn quốc lên tới hơn 154.000 ha, đồng nghĩa việc diện tích đất trồng lúa giảm 7,6%. Trong khi đó, chính sách đất đai cho nông nghiệp còn quá nhiều bất cập, chậm được sửa đổi. Mặt khác, việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp còn rất yếu, chưa định hình cơ chế rõ ràng, dẫn tới chất lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam không cao, hiệu quả kinh tế thấp. Khâu tiêu thụ cũng còn nhiều bất cập nên hầu như năm nào cũng xảy ra điệp khúc “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa”, khiến nông dân luôn đối diện với sự bấp bênh. Lao động qua đào tạo ở nông thôn chỉ chiếm trên dưới 10% so với 25% ở khu vực thành thị. Trình độ học vấn thấp hơn 2 lần, nhân lực thấp hơn 10 lần, năng suất lao động nông nghiệp thấp... cũng là những khó khăn cho phát triển.
Thực tế nêu trên đòi hỏi phải có sự tích cực tham gia của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng nhằm triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cách làm mới phù hợp để các chủ trương, chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Xuất phát từ những yêu cầu này, hôm nay 10-12, tại TP Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Báo SGGP tổ chức hội thảo với chủ đề “Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn”. Với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, TP trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, các viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội, chủ các trang trại và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lớn về nông sản, thực phẩm, hội thảo sẽ tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường mối liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng) và vai trò các hiệp hội; mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất; đào tạo nghề phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn… Đặc biệt, trong khuôn khổ hội thảo sẽ diễn ra lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp với nội dung liên quan đến hỗ trợ vốn và cơ chế đồng phối hợp đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Theo ông Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP, hội thảo này với các ý kiến của các bộ ngành, chuyên gia và từ thực tế các địa phương sẽ thêm một kênh thông tin giúp Đảng, Nhà nước có thêm cơ sở để triển khai chính sách “tam nông” một cách hiệu quả, có chiều sâu. Bởi lẽ, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ phải làm lâu dài nhưng là vấn đề đặt ra rất cấp thiết hiện nay.
Minh Giang