Hiến pháp 2013 tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xử lý oan sai ​

Hiến pháp 2013 như luồng gió mới thổi vào hoạt động của lĩnh vực tư pháp. Khi xảy ra oan sai, các cơ quan chức trách thẳng thắn thừa nhận, chỉ ra những sai sót và tổ chức xin lỗi, bồi thường cho những người bị oan...

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, GS TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, GS TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Ngày 15-1, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội đã diễn ra buổi tọa đàm “5 năm thực hiện Hiến pháp 2013 - Những thành tựu lập pháp”. Chủ đề của cuộc tọa đàm bao gồm 4 nội dung chính: những thành tựu cơ bản trong triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013; quyền công dân trong Hiến pháp với cải cách tư pháp; thể chế kinh tế với quyền tự do kinh doanh; những vấn đề đặt ra để tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013.

Các ý kiến tại cuộc tọa đàm ghi nhận, ngay sau khi Hiến pháp được thông qua, rất nhiều công việc đã được triển khai, đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Tinh thần thượng tôn Hiến pháp đã và đang lan tỏa vào đời sống xã hội, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho thúc đẩy kinh tế và đổi mới sáng tạo.

Chỉ trong 5 năm, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung hơn 100 luật, kịp thời cụ thể hóa quy định, tinh thần, quan điểm của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, tổ chức bộ máy Nhà nước, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp… nhằm thiết lập hệ thống pháp luật đồng bộ, ổn định, thống nhất cho sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, GS TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, những quy định trong Hiến pháp và quy định của pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp đã trở thành kim chỉ nam quy định hành vi của cán bộ, công chức, quy định hoạt động của bộ máy, làm cho xã hội trật tự hơn, tạo niềm tin của người dân đối với hoạt động công quyền.

Phân tích ý nghĩa của quy định tại khoản 2 điều 14 của Hiến pháp, theo đó, quyền con người chỉ có thể hạn chế bằng luật, GSTS Lê Minh Thông nói: “Điều đó đã tạo ra sự đảm bảo hiến định cực kỳ quan trọng, loại bỏ mọi nguy cơ tùy tiện hạn chế quyền con người, quyền công dân. Nguyên tắc này luôn được quán triệt trong các luật”.

Một ví dụ khác là nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 được ông Lê Minh Thông coi như nền tảng pháp lý quan trọng để sửa đổi căn bản các thủ tục tố tụng trong hoạt động tư pháp, nhằm đảm bảo rằng không ai bị xem là tội phạm nếu không có bản án của tòa án tuyên có hiệu lực và tuân thủ các quy định pháp luật.

“Hiến pháp 2013 như luồng gió mới thổi vào hoạt động của lĩnh vực tư pháp. Chưa bao giờ thấy chúng ta công khai, chỉ trích mạnh mẽ việc oan sai như vậy. Khi xảy ra oan sai, các cơ quan chức trách thẳng thắn thừa nhận, chỉ ra những sai sót và tổ chức xin lỗi, bồi thường cho những người bị oan”, GS Lê Minh Thông bình luận.

Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng, còn những việc chậm trễ, vướng mắc trong thực hiện khi tổ chức, bộ máy của các cơ quan nhà nước vẫn chưa theo kịp tinh thần cải cách mạnh mẽ của Hiến pháp.

Tin cùng chuyên mục