Sáng 6-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Làm rõ bản chất của nhà nước
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, người đã 3 lần tham gia Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, dự thảo Hiến pháp lần này vẫn quá dài, tính khái quát kém. “Tôi đã đề nghị đưa vào Hiến pháp nội dung quyền tài sản, trong đó có quyền sử dụng đất, nhưng Ban soạn thảo không tiếp thu”, ông Quyền nói. ĐB Trần Hoàng Ngân và ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, sửa Hiến pháp là việc hệ trọng của toàn dân chứ không chỉ của Nhà nước, QH. Hiến pháp phải là kết tinh ý nguyện, trí tuệ của toàn dân, vì vậy việc lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành bài bản.
Liên quan đến Điều 2, Hiến pháp năm 1992 xác định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức…”. Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục giữ nội dung quy định tại Điều 2, chỉ thay từ “tầng lớp” bằng từ “đội ngũ” để khẳng định bản chất công - nông - trí của Nhà nước ta. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại Điều 2 của dự thảo. Tại phiên thảo luận hôm qua, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) tán đồng với ý kiến của ủy ban, đề nghị giữ nguyên Điều 2 của Hiến pháp hiện hành để đề cao vai trò của đội ngũ trí thức.
Tuy nhiên, cũng nội dung này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) lại thiên về loại ý kiến thứ hai, đề nghị sửa quy định này thành: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” để thể chế hóa quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc với vai trò là động lực của phát triển xã hội. ĐB Đặng Thành Tâm (TPHCM) cũng cho rằng phải quy định như vậy mới tạo được sự đột phá khi sửa Hiến pháp. ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cũng đề nghị sửa theo hướng này, nếu cần thì thêm quy định “nòng cốt là công - nông - trí”.
Về chính quyền địa phương, ĐB Trần Du Lịch cho rằng: “Rất tiếc là thảo luận rất nhiều nhưng nội dung chính quyền địa phương gần như chưa được đề cập trong Hiến pháp sửa đổi. Tổ chức đô thị như thế nào cũng chưa được đề cập. Điều này còn phải thảo luận nhiều, gia công nhiều. Phải xác định chính quyền địa phương là ai, nằm trong hệ thống nào... Phải làm rõ thì mới tự quản địa phương được”.
Xác định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước
Hiến pháp sửa đổi lần này bổ sung 2 thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, hiến định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp để tăng cường vị thế và trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, theo ý kiến của ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM), Hiến pháp chế định những vấn đề lớn về bộ máy Nhà nước, những vấn đề hết sức cơ bản về quyền công dân, quyền con người. Vì vậy việc đưa chế định 2 cơ quan này vào Hiến pháp là không cần thiết, mà có thể đưa vào các văn bản khác. ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) và một số ĐB khác cũng cho rằng không nên đưa thiết chế hiến định độc lập là Kiểm toán Nhà nước vào Hiến pháp.
Ngược lại với quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) lại cho rằng, cần nâng địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước lên thành một hiến định trong Hiến pháp. “Đây là cơ quan do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia. Tôi ủng hộ đưa vào Hiến pháp”, ông Lịch nói. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cũng đồng ý quan điểm này.
Một số ĐB cũng cho rằng, dự thảo cũng cần phải ghi cơ quan phòng, chống tham nhũng thuộc QH vào Hiến pháp bởi hiện nay chúng ta đang xác định tham nhũng là giặc nội xâm.
Ủng hộ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”
Về cách thể hiện các thành phần kinh tế trong Hiến pháp (Điều 55), hiện có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất đề nghị nêu các thành phần kinh tế nhà nước và xác định vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nêu cụ thể tên các thành phần kinh tế mà chỉ xác định các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế để bảo đảm tính khái quát, ổn định cao của Hiến pháp khi cơ cấu của nền kinh tế có thể thay đổi, đồng thời, thể hiện sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tán thành loại ý kiến thứ nhất, khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cần tính lại việc có nên ghi kinh tế nhà nước là chủ đạo trong Hiến pháp hay không. ĐB Đặng Thành Tâm cũng đề xuất thay vì ghi “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, nên ghi “kinh tế trong nước” làm chủ đạo để tránh lệ thuộc vào các thành phần kinh tế nước ngoài.
Ngược lại với quan điểm của bà Lan, ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) đồng ý như dự thảo, tức phải nêu rõ kinh tế nhà nước là chủ đạo. ĐB Võ Thị Dung (TPHCM), ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) cũng đồng quan điểm, vì có kinh tế nhà nước thì mới có điều kiện để thực hiện nền kinh tế theo định hướng XHCN.
P.Thảo - B.Vân - N.Quang
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Giữ nguyên vị trí điều 4 Hiến pháp
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 6-11 về sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp nhấn mạnh: Sửa Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia. Do đó, vai trò của QH có ý nghĩa quan trọng, đề nghị các vị ĐBQH nghiên cứu xem xét thận trọng để nêu ý kiến.
Chủ tịch QH nêu một số nội dung quan trọng trong lần sửa đổi này. Thứ nhất, ban soạn thảo vẫn thống nhất giữ nguyên Điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng, có bổ sung để làm sâu sắc thêm. Theo đó, Điều 4 xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Theo Chủ tịch QH, đây là những điểm rất mới, được thống nhất rút ra sau quá trình thảo luận. Thứ tự một số điều khoản khác trong Hiến pháp có thể thay đổi, riêng vị trí của Điều 4 vẫn phải được giữ nguyên.
Vấn đề thứ hai, chương về quyền và nghĩa vụ công dân cũng được mở rộng hơn theo hướng tăng thêm và mở rộng thêm quyền con người. Đây là một chương quan trọng trong Hiến pháp. Do đó, chương này trong Hiến pháp được đổi tên thành: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và được đưa lên vị trí thứ hai, sau chương Chế độ chính trị. Cùng với đó, khi xác định mối quan hệ giữa hành pháp, tư pháp, lập pháp, ban soạn thảo đã nhấn mạnh thêm khía cạnh “ba quyền này hoạt động trong một thể thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát lẫn nhau”. Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng bổ sung một số nội dung mới cho các định chế Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát, Kiểm toán, Hội đồng bầu cử... Tất nhiên, những định chế này cũng nằm trong cùng một thể thống nhất.
Ủy ban sửa đổi Hiến pháp sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân, sau đó sẽ tiếp thu hoàn chỉnh đưa ra trước toàn dân và sẽ báo cáo QH.
L.Nguyên