Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam: Nhiệm kỳ mới đầy khó khăn, thách thức

Sáng 10-10, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đã có buổi họp tổng kết hoạt động nhiệm kỳ II (2008 - 2013) và tiến hành bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Những hiệu quả, tồn đọng và khó khăn trong nhiệm kỳ qua, cùng phương hướng hoạt động sắp tới đã được đem ra trao đổi, bàn luận khá sôi nổi.

Sáng 10-10, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đã có buổi họp tổng kết hoạt động nhiệm kỳ II (2008 - 2013) và tiến hành bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Những hiệu quả, tồn đọng và khó khăn trong nhiệm kỳ qua, cùng phương hướng hoạt động sắp tới đã được đem ra trao đổi, bàn luận khá sôi nổi.

Trong đánh giá tình hình hoạt động của nhiệm kỳ vừa qua, bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Thường trực hiệp hội, nhìn nhận: “Tình trạng vi phạm bản quyền các bản ghi ngày càng phổ biến, tệ nạn băng đĩa lậu kéo dài; sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin khiến tình trạng vi phạm bản quyền các bản ghi ngày càng tinh vi hơn… Sự vi phạm này đã ảnh hưởng rất lớn khiến việc sản xuất kinh doanh bị sụt giảm nghiêm trọng, nhiều nhà sản xuất không thể sản xuất ra các bản ghi mới và thị trường băng đĩa âm nhạc suy giảm, tạo điều kiện cho sự thâm nhập của dòng nhạc âm nhạc ngoại lai, phản động từ bên ngoài”.

Thời gian qua, RIAV đã đồng ý cấp phép chuyển giao quyền sử dụng các bản ghi âm khai thác trên lĩnh vực mạng truyền thông di động, web… và tháng 6-2012, Công ty cổ phần Tập đoàn MV được đại diện hiệp hội độc quyền sử dụng khai thác các bản ghi trên mạng viễn thông và Internet. Nhưng đáng tiếc, hợp đồng này đã buộc phải thanh lý trước thời hạn và thay vào đó là Công ty cổ phần VNG được chọn vì hội đủ năng lực tài chính, nhân sự, máy móc thiết bị kỹ thuật.

VNG được độc quyền khai thác các bản ghi âm với doanh thu khoán. Doanh thu từ năm 2008 đến hết tháng 6-2014 của hiệp hội là hơn 46 tỉ đồng, trong đó có hơn 45 tỷ đồng được chi trả tiền bản quyền. Đối tác của RIAV tăng giảm hàng năm. Để tạo thêm nguồn thu cho hội viên, từ năm 2013, hiệp hội hợp tác với đối tác sử dụng khai thác bản ghi karaoke trên các đầu máy karaoke có thương hiệu tại Việt Nam và một đối tác tại Đài Loan.
 
Hiện nay, RIAV có 40 hội viên, trong đó có 29 hội viên là tổ chức và 11 hội viên là cá nhân nhạc sĩ, ca sĩ. Việc mở rộng kết nạp thêm hội viên mới cũng được bàn luận. Ý kiến của một nhạc sĩ cho rằng: “Hồ sơ để trở thành hội viên của RIAV còn nhiều hạn chế”.

Ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch hiệp hội, cũng nhìn nhận: “Chúng tôi cũng đang bàn thảo về việc kết nạp hội viên mới là những người không phải nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc. Một số điều còn cân nhắc, băn khoăn như: phòng thu tư nhân sẽ hoạt động như thế nào? Làm sao để kết nạp họ thành hội viên? Tư cách của họ trong RIAV nên như thế nào?”.
 
Bà Trương Thị Thu Dung nói: “Hoạt động của RIAV trong nhiệm kỳ mới này sẽ khó khăn nhiều hơn vì việc kinh doanh âm nhạc hiện nay đã trở nên bão hòa. Nguồn thu cho các hội viên ủy thác cho hiệp hội cũng bị sụt giảm. Chúng tôi chỉ mong nhà nước lập lại kỷ cương, các đơn vị kinh doanh ở lĩnh vực này tuân thủ và chấp hành tốt Luật Sở hữu trí tuệ, tôn trọng bản quyền. Chúng tôi sẽ kiên quyết đấu tranh với tệ nạn ăn cắp bản quyền để giữ được doanh thu bằng hoặc hơn các năm trước, chứ không thể sụt giảm”.

Cuộc chiến chống lại nạn ăn cắp bản quyền âm nhạc nói chung và bản quyền các bản ghi âm, ghi hình nói riêng là cuộc chiến bền bỉ và còn muôn vàn khó khăn.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục