Bộ Nội vụ vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và xây dựng Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ phó tổ Đề án 30 về CCHC TPHCM, đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh những kết quả đạt được trong công tác CCHC 10 năm qua và một số giải pháp cho giai đoạn 2011-2020. Ông Lê Hoài Trung nhận định:
Công tác CCHC những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực về thể chế và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. CCHC không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tiết kiệm chi phí cho xã hội mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người dân do nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản tối đa.
- PV: Theo ông, tồn tại lớn nhất trong tiến trình CCHC những năm qua là gì?
Ông LÊ HOÀI TRUNG: Kiểm điểm 5 lĩnh vực CCHC được nêu ở phần trên, tôi thấy mặt tồn tại lớn nhất là cải cách về thể chế, tổ chức bộ máy Nhà nước và về đội ngũ cán bộ, công chức. Trong đó, tồn tại về cải cách thể chế là lớn nhất với nhiều văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế. Từ đó dẫn đến tình trạng chồng chéo, lúng túng, kéo dài trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đội ngũ, trình độ cán bộ, công chức thời gian qua tuy có được tăng cường, nâng lên một bước, song vẫn chưa được chuẩn hóa theo từng vị trí công tác trong các cơ quan hành chính. Việc thi tuyển công chức, xét tuyển viên chức chưa được công khai, minh bạch và cạnh tranh.
- Thủ tục hành chính ở lĩnh vực nào mà người dân phàn nàn nhất hiện nay, thưa ông?
Các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nhà đất, đầu tư, xây dựng bị người dân và doanh nghiệp hiện nay phàn nàn nhiều nhất. Có nhiều thủ tục hành chính mặc dù đã được rà soát nhiều lần nhưng chậm được chính các cơ quan hành chính trong lĩnh vực đó kiến nghị bãi bỏ, đã và đang gây cản trở, khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước và người dân. Đây là những lĩnh vực sát sườn với đời sống người dân và yêu cầu của CCHC đặt ra là phải thúc đẩy cải cách mạnh hơn nữa. Người dân phải được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ tiến trình CCHC.
- Ông quan tâm đến việc CCHC ở lĩnh vực nào trong Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020?
Tôi quan tâm đến những thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Lợi ích của việc đẩy mạnh CCHC trong các lĩnh vực này là mang lại hiệu quả rất lớn cho xã hội. Trong đó, rõ nét nhất là tạo điều kiện cho đầu tư, sản xuất phát triển; tiết giảm được chi phí xã hội do tiết kiệm được thời gian đi lại, chờ đợi, giấy tờ, thủ tục phiền hà… Chính vì vậy, theo tôi, trong Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, cần phải hướng mạnh vào các mục tiêu CCHC trong nhóm lĩnh vực liên quan đến đời sống dân sinh, đầu tư phát triển…
- Mục tiêu và giải pháp nào trong Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 là quan trọng nhất, thưa ông?
Dự thảo Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 đề ra 10 mục tiêu cụ thể với các mốc thực hiện đến năm 2015, 2017 và 2020. Trong đó, có mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu mỗi năm giảm trung bình 10% chi phí mà người dân và doanh nghiệp phải bỏ ra khi giải quyết các thủ tục hành chính với cơ quan hành chính; giảm 1/3 thời gian giải quyết các công việc của người dân tại cơ quan hành chính Nhà nước. Sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công ở lĩnh vực y tế, giáo dục đạt 85%.
Cơ cấu tổ chức Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đến năm 2020 giảm từ 30 đầu mối như hiện nay xuống dưới 15. Đối với TPHCM, mục tiêu của Chương trình CCHC, theo tôi phải gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị; xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.
Về giải pháp, cần bổ sung nội dung CCHC gắn với cải cách công tác lập pháp và tư pháp; sớm ban hành các luật có liên quan đến CCHC như: Luật Viên chức, Luật Thủ tục hành chính, Luật Công vụ… Xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về đội ngũ cán bộ, công chức, về thực thi các thủ tục hành chính. Các giải pháp này theo tôi phải bảo đảm yêu cầu phục vụ người dân, lấy lợi ích của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cho hiệu quả của toàn bộ Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Hoài Nam (thực hiện)