Hiệu quả từ câu lạc bộ khuyến nông

Câu lạc bộ Khuyến nông - VAC phường Tam Phú ra đời đã giúp nông dân có cơ hội giao lưu, sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, cùng nhau phát triển kinh tế. 
Phường Tam Phú (quận Thủ Đức, TPHCM) có diện tích đất tự nhiên 308ha, trong đó 153ha là đất nông nghiệp. Đây là một trong những địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị thành phố, nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp, chủ yếu tập trung ở các chuyên ngành: trồng rau, nuôi cá, trồng cây - hoa kiểng có giá trị kinh tế cao như hoa mai, hoa lan… 
Vì thế, việc Câu lạc bộ Khuyến nông - VAC phường Tam Phú ra đời đã giúp nông dân có cơ hội giao lưu, sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, cùng nhau phát triển kinh tế. 
Hiệu quả từ câu lạc bộ khuyến nông ảnh 1 Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Khuyến nông - VAC phường Tam Phú 
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết: Từ khi ra đời đến nay, câu lạc bộ luôn duy trì lịch sinh hoạt vào ngày 15 hàng tháng. Nội dung sinh hoạt xoay quanh các chủ đề về kỹ thuật canh tác nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của TPHCM, như: sản xuất rau an toàn, nuôi cá cảnh, cá thịt kết hợp dịch vụ câu cá giải trí; chăm sóc hoa lan, mai, cây kiểng, bonsai; kỹ thuật chăm sóc và phòng ngừa bệnh trên cây trồng, vật nuôi… Ban chủ nhiệm câu lạc bộ còn chọn lọc, giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả ở địa phương, đã được đăng trên Báo SGGP vào thứ tư và thứ sáu hàng tuần, giúp hội viên tham khảo, học hỏi kinh nghiệm và nỗ lực sản xuất vươn lên làm giàu.  
Trong 6 tháng đầu năm 2017, câu lạc bộ đã tổ chức cho 40 hội viên tham dự các lớp tập huấn, chăm sóc mai sau tết, trồng hoa lan, thiết kế sân vườn, cắt tỉa cành tạo dáng bonsai và kỹ thuật trồng nấm… Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như Quyết định số 04/QĐ-UB của UBND TPHCM thay cho Quyết định 13 và Quyết định 36 về Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020, đã tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, đồng thời hỗ trợ lãi vay hiệu quả. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, câu lạc bộ đã phối hợp với UBND phường giới thiệu 2 hộ nông dân vay theo Quyết định số 04/QĐ-UB với số tiền 2,7 tỷ đồng; nâng tổng số tiền vay lên 11,8 tỷ đồng/17 hộ vay.
Các thành viên trong câu lạc bộ đã học tập được nhiều kinh nghiệm hay trong sản xuất và có nhiều hộ thành công: Về trồng mai ghép, có hộ bà Nguyễn Thị Bích Huyền, hộ ông Nguyễn Thanh Hà, hộ ông Lê Tấn Dũng…, với mức thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng/hộ/năm; về nuôi cá cảnh, có 4 hộ nuôi với diện tích 10.000m2, gồm nhiều chủng loại như cá chép Nhật, cá ông tiên, cá 3 đuôi, cá 7 màu, cá lia thia… Trong đó, có 2 hộ đạt hiệu quả cao là ông Lê Hữu Phúc và ông Lê Văn An, mỗi tháng thu nhập khoảng 20 triệu đồng; về trồng hoa lan Mokara cắt cành, có 6 hộ trồng với diện tích 0,9ha, trong đó có nhiều hộ đạt hiệu quả cao. Hộ ông Trần Mạnh Dũng và ông Trần Hoàng Luân được sự hỗ trợ giống lan Mokara từ Trạm Khuyến nông quận 9 - Thủ Đức... 
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, để đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương và Trạm Khuyến nông quận, đã tạo điều kiện giúp hội viên có cơ hội học tập những tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, giúp nông hộ phát triển mô hình, nâng cao kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục