Hiệu quả từ việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu

Nhằm ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám, hàm lượng khoa học và công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch ít gây ô nhiễm môi trường,… đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa, thời gian qua Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015.

Qua đó, kết quả triển khai các chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp TP đã đạt được những thành tựu bước đầu: Các ngành công nghiệp đang dần được cơ cấu lại, hướng vào các ngành có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng suất lao động cao, giá trị gia tăng lớn, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; giảm các ngành sản xuất gia công, thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường.

Từ năm 2006 đến nay, bốn ngành công nghiệp trọng yếu thu hút được 24.345 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3 lần so với giai đoạn 2001 - 2005 và chiếm 45,5% số doanh nghiệp sản xuất mới thành lập. Các ngành công nghiệp truyền thống đang được củng cố và phát triển theo hướng gia tăng, mang lại giá trị xuất khẩu cao và được chuyển dịch dần ra các khu quy hoạch và vùng phụ cận để phối hợp các tỉnh giải quyết việc làm cho một phần lớn lao động tại chỗ, hạn chế di dân vào TP.

Đến nay, đã có hơn 500 doanh nghiệp của TP ký kết hợp tác tại các địa phương, đầu tư trên 548 dự án với tổng giá trị ước khoảng 116.723 tỷ đồng.

Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã góp phần tích cực, quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX đề ra. Nội bộ các ngành kinh tế cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học-kỹ thuật cao; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động chất lượng thấp sang phát triển theo chiều sâu, lấy chất lượng tăng trưởng là động lực chủ yếu để phát triển các ngành, lĩnh vực trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, ít gây ô nhiễm môi trường, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại.

Đáng chú ý, các ngành công nghệ, kỹ thuật cao có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới ngành công thương TP tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển các thị trường dịch vụ có tiềm năng nhưng chưa được khai thác.

Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến và chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô và sơ chế. Hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ, công nghệ lạc hậu, thiết bị trong nước đã sản xuất được, ưu tiên nhập khẩu vật tư, thiết bị và công nghệ tiên tiến, phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững.

Đồng thời, tích cực chủ động mở rộng thị trường, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ với các đối tác; tận dụng mọi khả năng để tăng kim ngạch xuất khẩu trên tất cả các thị trường đã có; tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.

Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu và củng cố, mở rộng hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại tại nước ngoài; nghiên cứu, dự báo và định hướng thị trường trong và ngoài nước để phát triển thị trường và sản phẩm thương mại; thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục