Hơn 10 năm trước, nghề trồng lan cắt cành như Mokara, Dendrobium… ở TPHCM còn rất hiếm, trong khi đây là thế mạnh của Thái Lan đi trước chúng ta vài chục năm. Nhưng với chính sách khuyến khích chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị từ đầu những năm 2000, hiện nay diện tích lan cắt cành ở TP đã lên đến 250ha năm 2013 và đang hướng đến 400ha lan các loại năm 2015.
Giờ đây, ngay cả những người Thái Lan có điều kiện thăm các vườn trồng lan ở TP cũng phải thừa nhận, thời tiết, thổ nhưỡng và ngay cả tay nghề của người trồng đã tạo ra những cành lan Mokara, Dendrobium với lượng hoa và độ sắc thắm không thua, thậm chí nhiều nơi còn hơn cả lan trồng ở Thái Lan.
Dù tại một vài trang trại trồng lan với quy mô khá lớn mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khi đến thăm không khỏi ngạc nhiên và tự hào về tính hiện đại của công nghệ cũng như tính chuyên nghiệp của nhà vườn, nhưng nhìn chung, so với Thái Lan, nghề trồng lan cắt cành của TPHCM và những tỉnh xung quanh còn khá khiêm tốn cả về quy mô, giống và công nghệ, nên cần phải được cải tiến từng bước, từng khâu nếu muốn thoát khỏi cái bóng của người Thái.
Với khâu tưới, Trung tâm Khuyến nông TPHCM khuyến cáo nông dân nên áp dụng kiểu tưới phun sương bán tự động sẽ có hiệu quả hơn cách tưới lan thông thường. Giải pháp sử dụng hệ thống phun sương tự động được coi là giải pháp tốt nhất hiện nay để tiết kiệm chi phí về điện, nước, nhân công và thời gian lao động.
Với diện tích nhỏ, chỉ cần đầu tư hơn 2 triệu đồng đã có hệ thống tưới phun sương đáp ứng được việc chăm sóc vườn lan nông hộ nhỏ. Lan là loại cây trồng cần nhiều nước, thích hợp với môi trường có ẩm độ cao, vì thế việc trang bị máy phun sương cho việc trồng lan cắt cành (Mokara, dendrobium…) là việc nên làm. Máy phun sương là cách điều hòa không khí dựa trên nguyên tắc bốc hơi nhanh.
Nước sạch được nén với áp suất cao qua những vòi được thiết kế đặc biệt sẽ chuyển hóa thành dạng sương siêu mỏng với kích thước hạt nhỏ dễ khuếch tán vào môi trường không khí nóng bức xung quanh. Khi bốc hơi nhanh nó sẽ hấp thu nhiệt và làm giảm nhiệt độ môi trường xung quanh xuống 5°C - 7°C, tạo môi trường mát mẻ cho vườn lan.
Vì vậy, thời gian qua đã có hơn 250 trong số trên 810 hộ trồng lan tại TPHCM ứng dụng hệ thống tưới phun sương bán tự động trong vườn nhà có kết quả cao. Bà Lê Thị Lang (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) áp dụng hệ thống tưới phun bán tự động cho vườn lan 500m², chi phí đầu tư 26 triệu đồng. Theo bà Lang, mỗi tháng tiết kiệm được 1,1 triệu đồng từ điện, nước, công lao động. Đặc biệt nhờ ẩm độ trong vườn đồng đều nên hoa có chất lượng hơn.
Trường hợp hộ Phạm Văn Đứng (xã Hiệp Phước) và hộ Nguyễn Văn Lạc (xã Phú Xuân cùng thuộc huyện Nhà Bè) cho thấy, việc sử dụng hệ thống tưới phun này giúp tiết kiệm lượng nước tưới 60%, lượng điện tiêu thụ 70%, công lao động 70%. Hộ ông Trần Văn Đở (ấp 6, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) với vườn lan Mokara, Dendrobium, vũ nữ… rộng 1.000m² nhờ áp dụng hệ thống tưới phun bán tự động đã mang lại hiệu quả cao, vừa tiết kiệm lao động vừa tiết kiệm được nước, hạ giá thành sản xuất lan so với tưới thủ công.
Trong quá trình tưới phun sương đảm bảo đủ ẩm độ, lá hoa không bị tổn thương nên năng suất và chất lượng hoa tăng lên, góp phần làm giảm giá thành sản xuất hoa lan từ 2.700 đồng/cành xuống 2.000 đồng/cành. Trước khi lắp hệ thống tưới cho 1.000m² lan cắt cành phải thực hiện tưới thủ công chi phí bỏ ra một đợt hơn 87 triệu đồng, sau khi lắp hệ thống này chi phí này chỉ còn 67 triệu đồng, tiết kiệm 20 triệu đồng.
ĐẶNG THÀNH