Khoảng 10 năm trở lại đây, trong nhiều lĩnh vực, mọi người đã quen với thuật ngữ và mô hình “xã hội hóa”. Ở lĩnh vực sân khấu, ý nghĩa nội hàm của thuật ngữ này rất rõ: đó là điều kiện, cơ hội để chủ động và tích cực tham gia vào hoạt động sân khấu bằng một mô hình nữa (ngoài công lập) với một nguồn tài chính không phải (và không hẳn) do nhà nước cấp. Có thể nguồn tài chính đó có được từ sự tài trợ của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cá nhân bỏ ra để đầu tư cho mục đích hoạt động và có sản phẩm (kịch bản, chương trình, vở diễn…). Từ đó mô hình “sân khấu xã hội hóa” phải tự thân vận động, buộc phải “bứt lên” để hạch toán vốn - lãi, phải tự trả cát-sê, phải hùn hạp và không được “đổ bể”.
Nhưng rất cần lưu ý là nền kinh tế thị trường của Việt Nam có tính định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của nhà nước, nên ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, dù hiểu theo quan điểm nào vẫn thuộc về phạm trù “thượng tầng kiến trúc”, có vai trò trong nhận thức, giáo dục, truyền cảm và hướng công chúng đến các giá trị cao của chân - thiện - mỹ.
TPHCM là một trung tâm kinh tế - xã hội năng động của cả nước, nên hoạt động sân khấu TP trong những năm qua đã trở thành tiêu biểu cho toàn ngành về xã hội hóa. Cá nhân tôi và rất nhiều đồng nghiệp luôn đánh giá cao trước các đồng nghiệp ở Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần và các NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Ái Như… Họ đã dám dấn thân trong cuộc chơi - “cuộc chiến” cho đơn vị nghệ thuật của mình. Để các sân khấu xã hội hóa sáng đèn, thu hút được công chúng, họ đã đầu tư vào đó không chỉ tiền bạc mà còn bằng tình yêu nghề nghiệp, tư duy sáng tạo, thổi vào đó sự năng động và cả nhịp điệu cuộc sống đương đại. Tôi không muốn sử dụng ý niệm “sân khấu thương mại” mà đây là sân khấu đời thường có tính sinh hoạt nhiều hơn, vui - hóm hỉnh nhiều hơn, gần với khán giả hơn. Và với những nỗ lực của mình, sân khấu xã hội hóa đã đạt được hiệu ứng cả về nghề nghiệp cũng như hiệu ứng xã hội. Sân khấu xã hội hóa đã có được những vở diễn: Nỏ thần, Mẹ và người tình (đoạt giải vàng trong một cuộc thi); Xin một cái tên, Chicago, 3-5-7… đã nhận sự tôn vinh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn lại quá trình xã hội hóa sân khấu vẫn còn nhiều điều đặt ra. Khi nói về một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta hay nói đến: tâm, tầm. Còn các nghệ sĩ tham gia xã hội hóa sân khấu phải quan tâm đến vấn đề tài chính. Ở đây, chúng ta không nói đến doanh thu bán vé, không nói đến kinh phí để các sân khấu này trang trải hoạt động hàng ngày mà nói sự đầu tư, về một chặng đường phát triển lâu dài. Và đồng thời phải tính đến hiệu quả - kết quả cuối cùng của việc làm này là vì điều gì, vì ai?
Cách đây không lâu, về vấn đề này, đại diện Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đã có ý kiến nhà nước nên có dự án hỗ trợ địa điểm biểu diễn, một phần kinh phí cho những đơn vị, nhóm, nghệ sĩ trong quá trình dàn dựng vở diễn - như một động thái đầu tư theo phương thức đặt hàng có chọn lọc, theo yêu cầu, theo phương thức “nhà nước và… nghệ sĩ cùng làm”.
Từ hiện thực sinh động của sân khấu được tổ chức và hoạt động (có hiệu quả) của mô hình “sân khấu xã hội hóa” - đến thời điểm này, chúng ta (các nghệ sĩ và các nhà quản lý) nên ngồi lại, trao đổi và đặt vấn đề về cơ chế, chính sách cho mô hình hoạt động này. Bởi vì tính hiệu ứng cuối cùng của một sản phẩm nghệ thuật trước hết phải là tác phẩm của tư duy văn hóa chính thống và sau đó không thể khác hơn là hiệu ứng với công chúng.
NSƯT, đạo diễn LÊ CHỨC