Sau một thời gian dài đi lại như con thoi tới Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Phú Quốc, Trường Sa… để thực hiện những công trình nghệ thuật với gốm, giờ đây, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, chủ nhân ý tưởng của công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng lại có mặt trong đề cử giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội với ý tưởng vĩnh cửu hóa những hình ảnh của Hà Nội xưa trên gốm.
Kỹ thuật in gốm nặng lửa
Nữ họa sĩ tâm sự, từ khi bén duyên với gốm, chị đã ngay lập tức bị hút hồn bởi kỹ thuật in ảnh trên chất liệu đặc biệt này. Khi đó, ở Hà Nội cũng có một vài cơ sở có công nghệ in tranh, ảnh lên gốm nhưng phần lớn chúng chỉ áp dụng với những hình ảnh có kích thước nhỏ để làm đồ lưu niệm như cốc, bát, chai lọ… Thêm nữa, khi phơi sương, nắng, dần dần những hình ảnh này bị phai màu và mờ dần đi. Vì thế, từ lúc ấp ủ đưa những hình ảnh của Hà Nội xưa cũ đến gần hơn với công chúng trên Con đường gốm sứ, chị Thủy cùng các cộng sự đã miệt mài tìm hiểu từng công đoạn từ loại đất để làm cốt, đến kỹ thuật in, nhiệt độ nung… Sau biết bao công phu, tốn kém, đến cuối năm 2010, những tác phẩm in hình vĩnh cửu đầu tiên đã hoàn tất và xuất hiện trong triển lãm “Dấu ấn Hà Nội” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Ngay lần đầu ra mắt, sự sống động và độc đáo của các tác phẩm về Hà Nội ấy khiến ngay cả đại biểu một số đại sứ quán tại Việt Nam khi tham dự triển lãm đã tìm gặp chủ nhân của tác phẩm nghệ thuật này bày tỏ mong muốn được in hình ảnh của đất nước họ trên chất liệu đặc biệt đó. Chính đây là nguồn động lực lớn lao khiến chị và những cộng sự tiếp tục nghiên cứu tìm cách làm chủ kỹ thuật lưu giữ hình ảnh trên gốm. Nếu những lần đầu tiên năm 2010 sản phẩm ra đời chỉ mang tính thử nghiệm thì nay ê-kíp làm việc của chị đã thực sự làm chủ công nghệ này. Với việc áp dụng nhiệt năng lửa (trên 1.2000C) đã hóa giải hiện tượng bay màu, bay nét… khiến các bức hình không còn chịu tác động của khí hậu mưa, nắng khắc nghiệt của miền Bắc.
Sau ấn tượng ngay từ lần đầu ra mắt loại hình mới mẻ này, nữ họa sĩ lại được UBND TP Hà Nội giao thực hiện bức tranh gốm về 40 năm Hiệp định Paris. Kỹ thuật in tranh trên gốm nặng lửa còn gây ấn tượng với bạn bè quốc tế khi bức tranh gốm với hình ảnh Bác Hồ năm 1969, hình toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris tháng giêng năm 1973… hiện lên sắc nét, sống động và vô cùng ấm áp. Sau lễ khánh thành tổ chức vào tháng 3-2013 tại thành phố Choisy le Roi (Pháp), bức tranh gốm với những hình ảnh lịch sử này đã được trân trọng lưu giữ trên bức tường tòa thị chính thành phố có lịch sử gắn bó với Việt Nam.
Điểm nhấn trên “Con đường gốm sứ”
Ý tưởng vĩnh cửu hóa những hình ảnh về Thăng Long- Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của nhiều tổ chức, cá nhân và đông đảo nghệ sĩ. Theo ý tưởng vừa được người họa sĩ này trình lên UBND TP Hà Nội thì đoạn tranh gốm nhằm vĩnh cửu hóa những hình ảnh về Hà Nội sẽ được thể hiện trên một dòng chảy ký ức với Hà Nội những năm thế kỷ XIX, Hà Nội trong ngày Quốc khánh, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và hòa bình.
Chia sẻ về dự án vĩnh cửu hóa những hình ảnh của Hà Nội trên gốm, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết, về mặt tư liệu hình ảnh, hiện chị đã sưu tầm được hơn 2.000 bức ảnh lịch sử từ kho lưu trữ của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Phòng Tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, bộ sưu tập ảnh của kiến trúc sư Đoàn Bắc và nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành… Cùng với cộng sự, chị cũng chọn được gần 100 bức ảnh tiêu biểu để thể hiện đoạn tranh gốm sắp đặt ảnh Hà Nội cổ và Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp, hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thủ đô. Nhiều bức ảnh quý trong ngày tiếp quản thủ đô 10-10-1954 lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi để người Hà Nội mãi nhớ về một thời hào hùng của thủ đô. Những bức ảnh này sẽ được sắp đặt trên nền bóng hình đồ họa những công trình kiến trúc thân quen của Hà Nội như chùa Một cột, Khuê Văn Các, Cột cờ Hà Nội, Phố cổ, cầu Long Biên theo phong cách đương đại.
| |
MAI AN