TPHCM và cả nước vừa qua một cái tết đầm ấm, yên bình. Song khi những ngày vui tết qua đi, tại các nơi công cộng và khu dân cư vẫn còn một số hình ảnh phản cảm cần được chấn chỉnh. Nhiều bạn đọc bức xúc gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh những hành vi kém văn hóa khi lạm dụng việc đón xuân để trục lợi.
Bát nháo múa lân dỏm
Từ giáp tết đến giờ, tại các khu dân cư ở TPHCM xuất hiện nhiều nhóm múa lân dỏm, chỉ với một lân, người đeo mặt nạ thần tài và vài người gõ chiêng trống bát nháo, chứ chẳng rành rẽ gì nghệ thuật múa lân. Họ xông vào từng nhà múa may, đánh trống inh ỏi, để vòi tiền. Một bạn đọc tên Hoàng (ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10) cho hay: “Sáng mùng 2, tôi vừa mở cửa, lập tức có một nhóm thanh niên tự tiện xông vào nhà múa may rồi vòi tiền lì xì. Khi tôi nói không cho tiền thì họ nhảy vung tay múa chân với vẻ xấc láo trước bàn thờ rồi mới chịu bỏ đi”. Cứ vậy, những đội lân dỏm này cứ xông vào hết nhà này đến nhà khác khiến cho các khổ chủ phải đưa 100.000 - 200.000 đồng cho xong.
Bạn đọc Ngọc Hùng (ngụ đường Trần Hưng Đạo, quận 5) than đã bị đến 3 nhóm múa lân dỏm viếng nhà đầu năm, mất 600.000 đồng “cúng” cho những người này. Có nhóm còn tự tiện gom bánh trái bày trên bàn thờ mang đi. Sau tết, các tiệm quán vừa khai trương trở thành điểm nhắm của những nhóm múa lân dỏm. Nếu như gia chủ không cho tiền hoặc cho ít tiền, lập tức có người đại diện mặt mày bặm trợn ra mặt cò kè, hăm dọa.
Đây là một hoạt động biến tướng, giả danh các đội múa lân nhằm trục lợi. Ban đầu, có một số đội lân nghiệp dư do thanh niên các quận 5, 6, 10… tự lập ra để góp vui cho mọi người ở các khu phố dịp tết. Vài năm gần đây, có kẻ đã lạm dụng việc này, đứng ra tổ chức điều hành các nhóm múa lân dỏm, tung ra hoạt động khắp các khu dân cư để trục lợi, ngày càng ngông nghênh, trở thành hành vi “xin đểu”. Có những người trong nhóm múa lân dỏm còn lợi dụng cảnh ồn ào chộn rộn khi vào múa may để ăn cắp đồ đạc, tài sản. Chính vì cách hoạt động bát nháo này nên mỗi khi nghe tiếng trống múa lân là mọi người vội đóng cửa nhà để khỏi phải tiếp. Hiện nay, không chỉ ở các quận nội thành, hoạt động múa lân dỏm đã lan ra cả các huyện ngoại thành. Từ chỗ là một nét văn hóa tốt đẹp với mục đích đem niềm vui và chúc phúc đến các nhà vào dịp đầu năm, nay những nhóm múa lân dỏm này đang gây ra nhiều sự khó chịu cho cư dân.
Chùa mất sự tôn nghiêm
Từ giao thừa cho đến rằm tháng Giêng âm lịch, các ngôi chùa luôn có đông người tới lễ chùa đầu năm. Nhân cơ hội này, nhiều kẻ tranh thủ trục lợi ngay trong và ngoài khuôn viên chùa. Tại các chùa lớn ở TPHCM và các điểm hành hương ở các tỉnh, bãi giữ xe trong khuôn viên chùa không đủ chỗ để khách gửi xe nên nhiều nhà dân gần đó đã tự phát mở dịch vụ giữ xe cho khách đi chùa, đưa người tràn ra đường bắt khách, khiến giao thông hỗn loạn, ùn ứ xe ở khu vực cổng chùa. Giá giữ xe tùy tiện “chặt chém” từ 20.000 - 30.000 đồng/chiếc. Cũng tại cổng chùa, người ta mang đến bày bán công khai các loại sách bói toán. Dịp này, những người hành nghề xem bói cũng tụ tập chào mời khách. Từ cổng chùa vào đến tận sảnh có nhiều người chen chúc nhau bày bán nhang, vàng mã, chim và cá phóng sinh. Tiếng rao bán, chào mời, chèo kéo mua hàng ồn ào, thậm chí những người này còn sẵn sàng dùng lời lẽ thô tục để miệt thị nhau khi giành khách ngay trong khuôn viên chùa. Cả khoảng sân chùa ngập rác, khắp nơi la liệt giấy gói, túi bọc nhang được người bán nhang và người đi lễ chùa xả xuống sân.
Điều phản cảm nữa là nhiều người đến lễ chùa lại tranh thủ tạo dáng chụp hình với những tư thế tạo dáng thiếu nghiêm túc ở nơi chốn đòi hỏi sự tôn nghiêm. Chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ các chùa giữ an ninh trật tự và chấn chỉnh kịp thời các đối tượng gây bát nháo trong và ngoài khuôn viên chùa.
LƯƠNG SƠN - THU HƯỜNG