Hình thành “thành phố đối trọng”

TPHCM hiện có khoảng 10 triệu người dân ngoại tỉnh và còn tiếp tục gia tăng, đưa đến thực tế là đã gần đạt đến ngưỡng cực đại của đô thị. Trong tổng diện tích 2.100km2 của TPHCM, hiện dân cư và các hoạt động thương mại - dịch vụ đang bị “nén” trong một diện tích 670km2

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, nguyên Trưởng khoa Đô thị học (Đại học KHXH-NV TPHCM), về những giải pháp để “hóa giải” tình trạng trên.

* Phóng viên: Ông có thể đánh giá thế nào về sự phát triển của “lõi” TPHCM trong thời gian qua?

- PGS-TS Nguyễn Minh Hòa: TPHCM có diện tích 2.100km2; tuy nhiên, những vùng đất rộng lớn như huyện Cần Giờ (700km2) khó phát triển, hiện TPHCM phát triển gần như “cô đặc” trong phạm vi khoảng 670km2. Thực tế cho thấy, vào các ngày cuối tuần, lễ tết… người dân tập trung về khu vực trung tâm TP quá nhiều, gây bất lợi về giao thông. Chính vì vậy, TPHCM cần tiến hành tái cấu trúc không gian kinh tế để giảm lực lượng lao động tay nghề trung bình và thấp, không phát triển các loại nhà máy gia công ở trình độ thấp. Giãn dần công nhân lao  động phổ thông ra vành đai ngoài. Sớm hình thành thêm ít nhất một trung tâm TP mới nhằm chia sẻ với trung tâm hiện hữu. Ngoài đô thị Thủ Thiêm ra, thì có thể hình thành một trung tâm TP mới ở bán đảo Thanh Đa, phía Nam Sài Gòn hay phía Đông Bắc TP (quận 2, quận 9). Kinh nghiệm từ các TP lớn trên thế giới từng rơi vào tình trạng quá tải như TPHCM, đã thành công trong chiến lược giãn dân khi họ phát triển một “thành phố đối trọng” hiện đại, văn minh hơn TP cũ và kết nối tốt với TP cũ để thu hút dân cư về đó.  

Hình thành “thành phố đối trọng” ảnh 1 Tuyến Metro số 1 được đề xuất kéo dài đến TP Biên Hòa để thúc đẩy sự phát triển của 2 địa phương

*  Có nghĩa TPHCM cần nhanh chóng phát triển đô thị vệ tinh?

- Trước mắt, TPHCM tập trung phát triển các trung tâm dịch vụ vệ tinh ở bên ngoài trung tâm thành phố như bệnh viện, trường học, siêu thị… nhằm thu hút dân cư ra bên ngoài. Việc hình thành một số bệnh viện như Bệnh viện Nhi đồng TPHCM (huyện Bình Chánh, quy mô 1.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng), Bệnh viện Ung bướu TPHCM (quy mô 1.000 giường, quận 9), Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP tại huyện Bình Chánh… cho thấy một nỗ lực theo hướng này.

Một ví dụ khác, siêu thị Aeon (Nhật) hình thành ở Tân Phú, Bình Tân đã giúp bức tranh kinh doanh và đời sống người dân ở khu vực này trở nên rất sôi động, kéo theo nhiều loại dịch vụ khác lan tỏa xung quanh như nhà hàng, khách sạn, nhà trọ… Như vậy, bên cạnh việc kiến tạo nên “đơn vị ở” từ các khu công nghiệp, thì nay được bổ sung thêm việc hình thành các khu cư trú từ chính các cụm siêu thị - dịch vụ. Về lâu dài, phải phát triển các đô thị vệ tinh đúng nghĩa theo hướng mà lãnh đạo TPHCM đã phác thảo nhưng thời gian qua chưa thực hiện được. 

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng TPHCM đã quá chật để phát triển?

Hiện nay hạ tầng kết nối giữa TPHCM và các tỉnh lân cận đã được đầu tư khá nhiều, một số dự án đã phát huy hiệu quả như đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Mới đây, các địa phương và cơ quan bộ ngành đã đồng ý kéo dài tuyến metro số 1 thêm đến TP Biên Hòa; hay tỉnh Đồng Nai có đề xuất với Bộ GTVT được xây dựng thêm cầu mới để nối tỉnh này với TPHCM, có tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng… Khi những dự án hạ tầng như vậy được đầu tư xây dựng, tôi cho rằng sẽ tạo động lực phát triển cho cả vùng và cũng là nền tảng để thực hiện việc giãn dân ra các khu vực lân cận TPHCM. Tôi nghĩ, một khi ở những khu vực như TP Biên Hòa hay tỉnh Long An mà có đầy đủ tiện ích phục vụ cho việc khám chữa bệnh, học tập, vui chơi giải trí thì lập tức sẽ thu hút dân về đó thôi. 

Ngoài ra, chúng ta phải tổ chức lại các khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm nhà máy theo hướng tập trung về vài khu vực, có thể là ở phía Bắc thành phố, không nên để khu công nghiệp, cụm công nghiệp phân tán như hiện nay. Điều này làm ảnh hưởng đến “tam nông”. Các khu công nghiệp hầu hết đang chiếm lĩnh ở những nơi “bờ xôi, ruộng mật”, không chỉ làm cho nông dân mất đất sản xuất mà còn ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn. Nông dân muốn làm nông nghiệp cũng không thể vì đất canh tác xung quanh khu công nghiệp rất mau chóng bị ô nhiễm nặng khói bụi, nhiệt độ từ các nhà máy thải ra làm cây trồng không tăng trưởng được. Vì vậy, việc quy hoạch lại các khu công nghiệp không phải chỉ theo hướng giảm bớt các khu công nghiệp phát triển theo chiều rộng (sử dụng mặt bằng lớn, thâm dụng nhân công phổ thông, công nghệ lạc hậu, kỹ thuật giản đơn) mà còn trả lại cho thành phố phần đất dành cho nông nghiệp. 

Cùng lúc, chúng ta thực hiện nhiều giải pháp cùng với lực đẩy là lực hút. Đó là việc hình thành thị trường bất động sản có giá thành phù hợp với số đông người lao động, hình thành các khu dân cư mới đảm bảo các dịch vụ xã hội ở mức tương đối… nhằm giữ người dân nhập cư ở lại bên ngoài trung tâm.

Tin cùng chuyên mục