Từ quốc lộ rẽ vào đường bê tông, rồi vào đường đất, con đường làng ôm theo ruộng bắp sắp vào mùa thu hoạch. Đi mãi rồi cũng tới cái ngõ tối, sâu hút của nhà bà. Đường đi quanh co là thế nhưng chúng tôi không mấy khó khăn để tìm ra nơi ở của bà, bởi nhà bà thuộc diện nghèo “có tiếng” ở làng quê miền Trung này.
Đời dâu bể
Ngôi nhà mọc đầy cỏ dại phía trước bậc tam cấp. Lu nước được kê bên vách tường gạch nham nhở. Quang cảnh thật hiu hắt. Chúng tôi đã không khỏi chạnh lòng… Thấy cửa nhà đóng, hỏi thăm hàng xóm mới biết bà đi chợ chưa về. Quanh xe ra đầu ngõ, định tới chợ tìm thì thấy cái dáng nhỏ thó, bước đi nặng nhọc, bóng già nghiêng theo bóng nắng, chúng tôi biết, mình đã tìm đúng người: bà Võ Thị Tám (72 tuổi, xóm 2, thôn Long Bàng, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).
Bà giơ túi thịt be bé lên, vừa thở dốc vừa kể: “Hôm qua có người quen xa tới thăm, biếu ít tiền, hổm giờ toàn ăn mắm… định ra chợ mua dăm bạc cá vụn về kho để giành ăn mà thấy toàn cá lớn, đành phải mua thịt”. Đã lâu không được ăn thịt nên thèm lắm, giờ chỉ cần được ăn bát canh rau dại trong vườn nấu với một ít thịt thôi, đối với bà cũng tốt lắm rồi. Khổ nỗi, ông bác sĩ dặn bị tim không được ăn thịt mỡ nên phải mua toàn thịt nạc, làm bà cứ xót mãi “ăn thì đỡ thèm nhưng tiếc tiền, lâu thiệt lâu mới dám chơi sang vậy”.
Thấy chúng tôi phẩy tay quạt cho đỡ nóng, bà lại than năm nay trời nắng ghê quá, cả tháng không có hạt mưa nào làm cái lu nước nhà bà cũng cạn theo. Nhà không có giếng nên phải đi xin nước nhà hàng xóm. Có lần nắng lóa, mắt lòa, bậc thềm nhà cao quá, bà xách thùng nước không nổi, té gãy cả tay.
Bằng giọng đậm phương ngữ xứ Quảng của mình, bà kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện buồn của đời mình. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà được người bác ruột cưu mang. Lớn lên, trong khi bạn bè cùng lứa đều đã con bồng con bế thì bà vẫn ở vậy, quần quật chạy chợ bán buôn mớ cá mớ rau nuôi gia đình. Đến gần ba mươi, bà mới dựng được cho mình một tổ ấm. Đứa con đầu lòng của bà ra đời chưa được bao lâu thì lại mắc bệnh hiểm nghèo, qua đời. Ít lâu sau, chồng bà cũng mắc phải bạo bệnh đi theo.
Thấy bà còn trẻ mà một mình ở vậy nhang khói cho chồng con, nhiều người khuyên bà đi bước nữa, để về già còn có con cháu mà nương tựa. Bạn hàng ở chợ thương chị Tám hiền lành mà sao cái khổ nó cứ bám dai dẳng, mai mối người nọ người kia. Ai bà cũng lắc đầu, “sợ lấy mình người ta khổ theo”. Thế mà gặp ông (khi ấy bà gần bốn muơi, còn ông đã bước sang tuổi lục tuần), thấy hoàn cảnh ông già cả, đau ốm, côi cút một mình, bữa đói bữa no, bà lại gật đầu.
Ở với bà được vài năm thì ông cũng bỏ bà mà đi. Từ đó, một mình bà thui thủi trong căn nhà này. “Ngẫm chắc cũng được hai chục năm rồi đó…” - bà Tám kể, mắt nhìn mông lung lên bàn thờ. Căn nhà lạnh lẽo với chiếc giường đơn, dăm bộ quần áo cũ nát treo trên tường, mớ thân bắp khô, héo hắt phơi trước nhà để dành làm củi. Vật “hiện đại” duy nhất trong nhà, có lẽ là cái bóng đèn điện chữ U nhỏ, nhưng không biết bao giờ nó mới được thắp sáng? Số tiền mắc điện quá lớn đối với một người nay ốm, mai đau, bữa đói, bữa no như bà.
Hồi trước khỏe mạnh, bà có hàng tạp hóa nhỏ bày bán đầu làng, rồi bẻ bắp, nhổ lạc thuê, ai kêu gì làm nấy. Từ ngày, bệnh tim, huyết áp cao của bà tái phát, các khớp xương đau nhức mỗi khi trở trời, bà chỉ còn biết sống dựa vào bà con hàng xóm, ai cho gì ăn nấy. Thỉnh thoảng có người họ hàng xa thương cảnh bà côi cút, nghèo khó lại biếu bà chút tiền uống thuốc. Xã có tài trợ cho bà một sổ bảo hiểm y tế nhưng “bệnh viện tỉnh xa quá, tiền đâu mà đi khám”.
Nguyện ước đơn sơ
Sẩm tối, bà thắp nén nhang trên bàn thờ ông, rồi thắp cái ngọn đèn hột vịt lên. Thắp một lát cho sáng nhà rồi tranh thủ đi ngủ sớm, bà sợ hao dầu, “dạo này, cái gì cũng mắc”. Một mình nằm trong bóng tối, bà lại thao thức, buồn tủi cho phận đời của mình. Rồi lại ước muốn được đi gặp ông, lại lạy trời đổ xuống cơn mưa cho lu nước không vơi, chợt nhớ ra ký gạo đong hôm trước đã sắp hết, bà lại ước mong được hết bệnh, mạnh khỏe mở lại cái quầy tạp hóa nho nhỏ, để có thể “tự kiếm được tiền đong gạo, không nhờ đỡ, làm phiền ai”. Nguyện ước của một con người đã đi gần hết cuộc đời mà vẫn bơ vơ nơi trần thế mới nhỏ bé, xót thương làm sao!
Từ giã bà Tám, chúng tôi ra về mà thấy lòng mình se lại. Chỉ cách đó chừng 4km thôi, một thế giới hoàn toàn trái ngược, xe cộ qua lại tấp nập trên đường phố Quảng Ngãi, đèn điện sáng rực cả góc đường… Ở đâu đó, trong bóng tối của đêm mùa hạ, có tiếng thở dài thao thức về chuyện đời bể dâu…
* * *
Qua câu chuyện về cuộc đời đáng thương này, Trang “Nhịp cầu nhân ái” kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân mở rộng vòng tay sẻ chia, góp sức cứu giúp một phận người có được những tháng ngày cuối đời bớt khổ, khi cái tuổi “gần đất xa trời” không biết nương dựa vào ai!
Bảo Uyên