Hồ Anh Thái với Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên

Hồ Anh Thái là một trong những trường hợp hiếm hoi của làng văn Việt Nam. Là nhà ngoại giao, có dịp sống và làm việc ở nhiều quốc gia, ông có những tác phẩm về các nền văn hóa khác nhau. 
Hồ Anh Thái với Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên

Trong 6 năm liền, Hồ Anh Thái công tác ở Ấn Độ và say mê nghiên cứu nền văn hóa lớn đầy quyến rũ, bí ẩn, kỳ ảo, thiêng liêng này của phương Đông, hoàn thành luận án tiến sĩ, cho ra đời tập biên khảo Xin chào Ấn Độ. Mới đây ông lại tiếp tục xuất bản tiểu thuyết Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên (NXB Trẻ ấn hành năm 2022).

Câu chuyện chủ yếu xoay quanh 3 nhân vật chính như cái tên đầy khơi gợi của tiểu thuyết. Cứ liệu lịch sử phong phú, mê hoặc của Ấn Độ đã trở thành nguồn cảm hứng và bệ phóng cho sự sáng tạo của Hồ Anh Thái, dựng nên một tác phẩm vừa mang tính khái quát vừa thể hiện được những tình tiết độc đáo. 

Vốn là một hoàng tử từ bỏ hoàng cung để tu hành “cứu nhân độ thế”, Đức Phật đã trở thành Đấng Giác ngộ và đạt nhiều thành công trong 45 năm truyền giảng giáo thuyết ở hầu hết các vương quốc của Ấn Độ. Tuy nhiên, có một nơi mà Đức Phật gặp trắc trở là vương quốc nhỏ bé Vamsa, vì tiểu vương Udena là người thế tục, sợ mất quyền lực, ngờ vực các loại triết thuyết, không mặn mà các giá trị tâm linh. 

Vì chênh lệch về đẳng cấp, một công tử con quan là Govinda đã gia nhập lực lượng đặc biệt để được gần người mình yêu là công chúa Samavati, được gả sang tiểu quốc Vamsa và trở thành hoàng hậu. Sau đó, Govinda được cài cắm vào làm điệp viên trong giáo đoàn của Phật xứ Vamsa để mật báo tin tức cho hoàng gia. Đội lốt nhà sư khất thực, không bạo lực, không sát sinh, nhưng một tháng đôi ba lần, điệp viên Govinda cũng bí mật tìm đến khu quán cá ven sông để thưởng thức “món cá rán sông Hằng là số một trần gian”. Thế nhưng, hoàng hậu Samavati bị thiêu chết thảm khốc, món cá sông Hằng cũng trở nên đắng nghét với điệp viên Govinda. Kẻ mưu ác gây ra cái chết cho hoàng hậu là vị thượng thư mật vụ và quý phi yêu chiều của tiểu vương - cả hai phải đền tội. 

Cũng với sông Hằng linh thiêng, số phận của bao người đẳng cấp thấp hèn bị bọn cường quyền cưỡng bức, đày đọa, nảy sinh lòng oán thù. Hãy nghe lời tự sự của cô gái nghèo cùng đường: “Thế gian này không ai lòng tràn đầy thù hận như mẹ con ta. Một cô dâu bị cưỡng đoạt ngay trong đám cưới của mình. Chú rể bị đánh chết chỉ vì dám cưỡi ngựa cao hơn đám nhà giàu trong làng. Cha mẹ ta bị trói giật cánh khuỷu, vứt trong góc nhà hội đồng suốt một đêm”. Vì vậy mà cô gái nghèo biến thành tướng cướp - Nữ Chúa Manju tìm cách trả thù. Bọn nhà giàu bị tịch thu tài sản… 

Qua tác phẩm này, một lần nữa nhà văn Hồ Anh Thái cho thấy tầm tri thức văn hóa và tài năng xây dựng tiểu thuyết của một cây bút có nghề, lặng lẽ sáng tạo không mệt mỏi.

Tin cùng chuyên mục