Lưu Hữu Phước (ảnh), người con ưu tú, người nhạc sĩ tài hoa của vùng đất Nam bộ, là tác giả của một khối lượng tác phẩm âm nhạc đồ sộ: ca khúc, ca cảnh, ca kịch, nhạc kịch, nhạc múa, nhạc phim, sưu tầm, nghiên cứu… Viết về Bác Hồ kính yêu, ông có 6 tác phẩm, nổi tiếng nhất là ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch. Hoàn cảnh nào đã ra đời ca khúc này?
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một trong những sinh viên Nam bộ từng tham gia phong trào hoạt động yêu nước và đấu tranh cách mạng của sinh viên và thanh niên trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong thời gian này, ngoài Đề Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… đều đã khuất, Lưu Hữu Phước đã nghe tiếng và rất ngưỡng mộ cụ Nguyễn Ái Quốc, mong ước có ngày cụ lãnh đạo nhân dân đánh đuổi đế quốc thực dân, giải phóng quê hương đất nước. Đó cũng là niềm tin và hy vọng thầm kín trong lòng của lớp sinh viên và thanh niên tiến bộ lúc bấy giờ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện và Lưu Hữu Phước. Trào dâng niềm vui, xúc động khó tả. Hầu hết các nhạc sĩ từng dấn thân theo cách mạng ai cũng có ý nguyện sáng tác ca khúc ngợi ca Hồ Chủ tịch để gửi vào đó lòng kính yêu Người, biểu tượng tuyệt vời của một dân tộc bất khuất và của phong trào cách mạng thế giới. Và Lưu Hữu Phước cũng có ước vọng này.
Lần đầu tiên ông trông thấy Người là tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 1 vào tháng 10-1946. Trong hội trường, đại biểu Nam bộ Nguyễn Văn Tạo kể lại tinh thần chiến đấu của quân dân Nam bộ anh dũng chống lại hành động xâm lược tàn bạo của giặc Pháp. Bác Hồ ôm anh Tạo và khóc. Và khi ấy, Lưu Hữu Phước cũng xúc động không cầm được nước mắt. Sau này, ông kể lại: “Bác Hồ ôm anh Tạo, tôi tưởng chừng như đang ôm tôi, ôm cả ba má, chú bác, bà con gần xa của tôi và toàn dân Nam bộ. Nước mắt của Bác rơi trên vai anh Tạo, tôi cảm thấy nóng hổi như rơi trên vai tôi. Tôi bỗng sực nhớ ra là chính nước mắt của tôi cũng đang chảy ròng ròng trên mặt tôi…”.
Sau đó, Lưu Hữu Phước còn được dịp gặp Bác Hồ khi Người đến thăm Phòng Nam bộ ở nhà số 2, đường Ngô Quyền, Hà Nội, nơi gặp gỡ của cán bộ, chiến sĩ từ miền Nam ra. Lúc ấy, đồng chí Huỳnh Bá Nhung là trưởng phòng, Lưu Hữu Phước là phó trưởng phòng. Sau khi thăm hỏi mọi người, Bác đến bên chị Đỗ Hồng Lan (tức ca sĩ Xuân Mai sau này) lúc ấy 17 tuổi và hỏi: “Cháu có dự định làm gì không? “Thưa Bác, cháu dự định học tiếng Anh ạ!”, Đỗ Hồng Lan đáp. Tháng 9-1946, sau khi dự Hội nghị Fontainebleau ở Pháp, Bác về đến Hải Phòng. Đông đảo nhân dân đón tiếp, trong đó có đoàn đại biểu Nam bộ. Gặp lại Đỗ Hồng Lan, Bác Hồ hỏi: “Thế nào, cháu học tiếng Anh đến đâu rồi?”. Xuân Mai lúng túng, đỏ mặt không nói được câu nào. Lưu Hữu Phước và mọi người trong đoàn chứng kiến việc này rất ngạc nhiên và xúc động, vì cảm thấy dẫu bận trăm công ngàn việc, Bác vẫn nhớ và quan tâm đến từng ước mong của con cháu.
Sau đó, Lưu Hữu Phước còn được gặp Bác đôi lần nữa ở chiến khu Việt Bắc. Bao giờ hình ảnh của Người, từ cử chỉ đến lời nói cũng đều đem lại cho ông ấn tượng sâu sắc. Năm 1947, tại Phú Thọ, ông bắt đầu viết những dòng nhạc đầu tiên của một ca khúc về Bác Hồ: Ánh hồng soi sáng chân trời Á Châu… Trong phần tiếp theo, ông viết: Hồ Chí Minh xuất hiện trong ánh sao, xuất hiện để cứu dân khổ đau… Và sau đó ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Lưu Hữu Phước ra đời, nhanh chóng phổ biến trong các vùng kháng chiến.
Tháng 4-1950, Bác Hồ đã nghe ca khúc này khi đến dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất tại Chiến khu Việt Bắc trong tiếng hát chào mừng “bộc phát” của chị em đại biểu. Đến năm 1951, Lưu Hữu Phước được nghe ý kiến đóng góp về mấy chữ soi sáng chân trời Á Châu và xuất hiện trong ánh sao trong hai câu hát trên, là không phù hợp với đức tính khiêm tốn, gần gũi nhân dân của Bác. Ngay sau đó, ông nhờ nhà văn Nguyễn Đình Thi góp ý chỉnh sữa mấy chữ trên và gần như làm lại tất cả các lời ca. Hiện nay, chúng ta không còn nghe mấy lời ca cũ mà thay vào đó là câu hát mới: Sao vàng phất phới ánh hồng sáng tươi và Hồ Chí Minh dắt dìu dân nước ta, vững bền tranh đấu cho đời chúng ta… Cũng trong năm 1951, bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Lưu Hữu Phước và Nguyễn Đình Thi (đã chỉnh sửa ca từ) đã vang lên nghiêm trang trong Đại hội liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới lần thứ ba tại thủ đô Berlin, Đức do đoàn đại biểu Việt Nam trình diễn.
Khi viết phần nhạc bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Lưu Hữu Phước đã sử dụng điệu thức ngũ cung dân tộc, để bài hát mang đậm chất dân gian và cũng để thể hiện hình ảnh Bác là người con ưu tú của đất nước và là vị cha già kính yêu của dân tộc. Để có âm hình giai điệu phong phú, ông đã vận dụng thủ pháp chuyển hệ (métabol), từ đó nét nhạc không bị bó hẹp trong 5 âm, mà được mở rộng thành 7 âm. Có thể nói, ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài viết về Bác có nội dung súc tích, khúc thức gọn gàng, giai điệu đẹp, đậm đà âm hưởng dân tộc. Đây cũng là một bản chính ca hào hùng rất Việt Nam.
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC