Ngày 13-5, các đại biểu tham dự hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” tiếp tục chia sẻ ý kiến, tình cảm về 2 vấn đề: di sản Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc; văn hóa, đạo đức và nhân cách trong di sản Hồ Chí Minh.
- Biểu tượng rực rỡ về tình hữu nghị giữa các dân tộc
Đại biểu Say Chum, Trưởng ban Thường trực Ban Thường vụ, TƯ Đảng Nhân dân Campuchia nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương về tinh thần quốc tế cao cả, một nhà hoạt động ưu tú đã có cống hiến to lớn trong các phong trào giải phóng dân tộc, công nhân quốc tế và đoàn kết các lực lượng vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cả những ngày đầu khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo vun đắp tình đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức, giữa nhân dân lao động các nước, gắn chặt sự nghiệp đấu tranh của Việt Nam với phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo hợp nhất các lực lượng đấu tranh, thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào đấu tranh của 3 nước Đông Dương trong bối cảnh cùng thuộc địa của thực dân Pháp. Ông Kim Chol Nam, Ban Hướng dẫn khoa học, Học viện Khoa học xã hội, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên nhắc lại lời của Chủ tịch Kim Nhật Thành: “Cách mạng Việt Nam có thể thành công và giờ đây đang chiến thắng bởi vì đã dựa trên tư tưởng và đường lối của đồng chí Hồ Chí Minh”.
GS Ignacio Gonzalez Janzen, nhà báo, nhà hoạt động chính trị Mexico, nguyên Chủ tịch “Hội những người bạn của Việt Nam” khẳng định, Hồ Chí Minh là người thầy, cũng như Simón Bolívar và José Martí từng là những người thầy ở châu Mỹ của họ. Cho rằng Việt Nam luôn là một tấm gương thường trực đối với phong trào đấu tranh của các nước Mỹ Latinh, GS Ignacio Gonzalez Janzen nhấn mạnh vai trò người thầy Hồ Chí Minh. “Một nhà cách mạng mà tấm gương không phải để dùng vào việc sùng bái cá nhân như một số ít người mà để được mọi người tôn trọng và kính phục. Không hề có thứ “chủ nghĩa Hồ Chí Minh”, có chăng đó là sự tôn trọng lớn, ngày càng phổ biến, được dành cho Hồ Chí Minh và nhân dân của Người”, GS Janzen nói. Ngày nay tại Mỹ Latinh, cái tên Việt Nam - Hồ Chí Minh Anh hùng tiếp tục sống mãi.
Tư tưởng về ngăn chặn chiến tranh, duy trì hòa bình, về tình hữu nghị và hợp tác của Hồ Chí Minh hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới ngày nay, có thể vận dụng để giải quyết những vấn đề lớn về mối quan hệ giữa các dân tộc mà thời đại đang đặt ra, vì vậy tư tưởng đó trường tồn trong chúng ta. GS-TS Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đúc kết: “Bác là người đặt nền móng cho chính sách mở cửa và hợp tác rộng rãi của Việt Nam với thế giới trên mọi lĩnh vực.
Điều này thể hiện ngay từ khi nước cộng hòa non trẻ của Việt Nam mới thành lập, còn trong vòng vây bốn bề của hệ thống tư bản thế giới, trong lời kêu gọi Liên hiệp quốc tháng 12-1946, Bác đã chủ động tuyên bố: Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của LHQ; sẵn sàng ký kết trong khuôn khổ LHQ những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước có liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân... Đó là những tư tưởng có tầm nhìn xa, đi trước thời đại, đặt nền móng cho chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa, hợp tác làm ăn với nước ngoài của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay”.
- Hiện thân của sự toàn thiện,toàn mỹ về đạo đức
Trong chiều qua, hội thảo với chủ đề “Văn hóa, đạo đức và nhân cách trong di sản Hồ Chí Minh” là phần chứa đựng nhiều cảm xúc lắng đọng nhất. Các đại biểu đăng đàn đều thể hiện niềm yêu kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng như trong lời đề dẫn, GS-TS Lê Hữu Nghĩa đã nhấn mạnh, Hồ Chí Minh là hiện thân của sự toàn thiện, toàn mỹ về đạo đức, vĩ đại mà rất mực bình dị.
Đại biểu Dominique de Miscault, Tổng biên tập Tạp chí Triển vọng (Pháp) xúc động cho biết: “Tôi đã theo dấu chân Hồ Chí Minh từ 20 năm nay. Một con người mà qua những bước chân của mình, từ năm này qua năm khác đã khám phá ra việc xác định công cuộc chinh phục tự do cho cả dân tộc của mình”.
Tháng 5-2006, một cuộc triển lãm của Bảo tàng Hồ Chí Minh được tổ chức tại Pavillon và khi thực hiện dự án này, Dominique de Miscault nói rằng mình đã khám phá ra được, không chỉ ở châu Á mà còn ở cả những nơi khác, một con người tuyệt vời đã trở thành biểu tượng như thế nào. Sau đó, Dominique de Miscault cùng các cộng sự tiếp tục làm nhiều triển lãm về Hồ Chí Minh. Đặc biệt, từ hơn một năm nay, Dominique de Miscault cùng cộng sự đã thực hiện bộ phim mang tên Hồ Chí Minh và nước Pháp sẽ ra mắt vào tháng 10-2010. Theo Dominique de Miscault, sẽ có rất nhiều bộ phim nữa được thực hiện.
Vì Hồ Chí Minh vẫn còn là một bí ẩn đối với phần lớn người dân Pháp. Người Pháp quan tâm đến Người với những câu hỏi: Thật sự Người là ai? Người từ đâu tới? Chính xác Người đã làm những gì? “Những tài liệu về chủ nghĩa cộng sản luôn nằm trong vali của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đàn ông Đông Dương này phải chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh cả cuộc đời mình cho cách mạng. Và chính nhờ vào sự nhạy bén và lòng quyết tâm cao độ, Người đã mang lại nền độc lập cho dân tộc mình”, Dominique de Miscault nói đầy cảm xúc.
Đại biểu Raymon Aubrac (Pháp) cũng kể lại những kỷ niệm xúc động về những ngày Bác Hồ lưu lại nhà của mình (ở Soisy, Monmorency, gần Paris) vào mùa hè năm 1946, trong thời gian diễn ra hội thảo Fontainnebleau. Theo Raymon Aubrac, khiêm tốn và giản dị, Bác Hồ là một chính khách mà rất nhiều người mong muốn làm được như vậy. Trong những ngày trú tại Soisy, sự hiểu biết của Người về các nền văn hóa khác nhau đã được minh chứng bằng việc Người có thể đọc được tất cả các tờ báo nước ngoài được mang đến hàng ngày mà những ngôn ngữ và văn hóa của nó luôn rất gần gũi đối với Người.
Là người đứng đầu Chính phủ, trong các cuộc gặp gỡ với báo chí cũng như công khai ngôn luận, Người luôn biết cách chứng minh với dư luận thế giới rằng Người từ chối việc sỉ nhục kẻ thù và luôn đề nghị các giải pháp cho phép họ giữ được thể diện. Điều này, Raymon Aubrac cho rằng đã mang đến điều đáng ấn tượng nhất, đó là sự tôn trọng cùng với tưởng nhớ về Người ở cả 2 quốc gia Pháp và Mỹ. Raymon Aubrac cũng cho biết, trong một tác phẩm xuất bản năm 2007 của Trung tâm lưu giữ quốc gia Pháp (cuốn “Những tài liệu quan trọng của lịch sử nước Pháp”), có minh họa một bức chân dung duy nhất của một người nước ngoài, đó chính là Hồ Chí Minh. Phía dưới bức ảnh ghi: “Đây là một điển hình hiếm có nhất về tình bạn trung thành giữa các đối thủ chính trị, được ghi nhận công lao từ phía bên kia và từ lãnh đạo của phía đối lập”
Phan Thảo
Chiều qua, 13-5, sau trọn 2 ngày làm việc, Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2010) đã kết thúc tại Hà Nội. Hội thảo khoa học về phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh B. LIỄU |