Theo phản ánh từ Bệnh viện Nhi Trung ương, năm nay dịch sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) và cúm diễn ra cùng một lúc, nên trẻ nhập viện do các bệnh này ở mức cao. Về cơ bản cả 3 bệnh này đều có những triệu chứng khá giống nhau (sốt, đau đầu, nhức toàn thân...) nên các phụ huynh rất khó phân biệt.
Trong mùa lạnh này, phần lớn bệnh nhân đến khám là trẻ dưới 6 tuổi vào viện khi đã có nhiều biến chứng về đường hô hấp. Việc trẻ đến khám bệnh ngày một tăng, khiến cho bệnh viện làm việc luôn trong tình trạng quá tải. Chỉ trong 4 tiếng buổi sáng, một bác sĩ phải khám gần 70 bệnh nhân. Với khoảng thời gian quá ngắn như vậy, rất khó mà tư vấn kỹ cho cha mẹ các cháu trong việc cho dùng thuốc và chăm sóc đúng cách.
Theo Khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai cho biết, hàng ngày có khoảng 15-20 bệnh nhân có triệu chứng cúm đến khám tại khoa, phần lớn là người dưới 20 tuổi. Cùng với trẻ em và phụ nữ đang mang thai thì người trẻ tuổi đang là đối tượng chính tấn công của virus này. Ngoài ra, nhóm người cao tuổi vẫn là nhóm có nguy cơ dễ mắc và có thể dẫn đến những biến chứng nặng do hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm.
Các chuyên gia cũng cho biết, càng nhiều tuổi theo quá trình lão hóa sức đề kháng của người cao tuổi ngày một suy giảm, sự xâm nhập của virut cúm sẽ rất thuận lợi. Nghiêm trọng hơn là khi virus cúm tấn công sẽ tiếp tục làm suy giảm hơn nữa sức đề kháng của người cao tuổi, đây là lúc thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn khác tấn công, nguy cơ bội nhiễm là rất lớn.
Điều trị những trường hợp cảm cúm thông thường thì chỉ dùng hạ sốt nếu có sốt cao, giữ vệ sinh thật tốt, ăn uống đủ dinh dưỡng và nghỉ ngơi đúng cách. Những trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân cúm nặng như vùng có cúm A H5N1, H7N9… và xuất hiện triệu chứng cúm thì cần được theo dõi chặt và điều trị sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Đặc biệt là có các dấu hiệu chân tay miệng, sốt li bì, mệt mỏi nhiều… thì cần đưa ngay đến các cơ sở chuyên khoa để làm xét nghiệm.
Các chuyên gia cũng khuyên không nên quá lạm dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh cho trẻ vì sẽ bị ảnh hưởng rất lâu dài. Các kháng sinh không có tác dụng diệt vi rút cúm mà còn làm giảm sức khỏe của cơ thể, có thể làm vi rút phát triển mạnh hơn. Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn. Có thể sử dụng một số loại thảo dược thiên nhiên dễ tìm nhưng có khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh cúm rất hiệu quả, an toàn và đặc biệt có tác dụng diệt vi rút mạnh như mật ong kết hợp với nhựa dầu gừng làm ấm cổ, dịu đi các cơn ho, giúp kháng khuẩn, diệt vi rút bám trên niêm mạc đường hô hấp và làm tăng sức đề kháng trước các tác nhân bên ngoài tấn công.
Với người dân vùng cao, một loại thảo dược khác được dùng nhiều để giúp chống lại cái lạnh và nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể là hạt thảo quả. Trong hạt thảo quả có chứa tinh dầu có tác dụng làm ấm cơ thể và sát khuẩn họng miệng rất tốt, giúp cơ thể chống lại cái lạnh từ đó ngăn ngừa vi rút phát triển. Ngoài ra tinh dầu húng chanh với thành phần anpha Terpineol cũng có tác dụng thông thoáng đường thở, diệt vi rút mạnh...
Theo các chuyên gia, trong tình hình hiện nay biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho cộng đồng là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh như rửa tay thường xuyên đúng cách, đeo khẩu trang và hạn chế đến những nơi đông người mà không có những biện pháp bảo vệ y tế đúng cách. Tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng. Những nhóm người có nguy cơ mắc cúm cao hay người bệnh mạn tính cần tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ khi cần chủ động tiêm vaccin cúm mùa, vaccin phế cầu.
NHƯ AN