Hồ đập miền Trung phập phồng trước mùa mưa lũ

Nắng hạn chưa dứt, các địa phương miền Trung lại bắt đầu phập phồng lo lắng về hồ đập trước mùa mưa lũ. Bởi tuổi thọ của các công trình đã… quá cao nên đa số đều rệu rã. Không những vậy, lại bị những trận lũ trước tàn phá, có những công trình chưa khắc phục xong, thậm chí khắc phục chắp vá khiến nguy cơ mất an toàn hồ đập ngày càng cao.
Hồ đập miền Trung phập phồng trước mùa mưa lũ

Nắng hạn chưa dứt, các địa phương miền Trung lại bắt đầu phập phồng lo lắng về hồ đập trước mùa mưa lũ. Bởi tuổi thọ của các công trình đã… quá cao nên đa số đều rệu rã. Không những vậy, lại bị những trận lũ trước tàn phá, có những công trình chưa khắc phục xong, thậm chí khắc phục chắp vá khiến nguy cơ mất an toàn hồ đập ngày càng cao.

Không còn gì… để hỏng!

Trận lũ hồi giữa tháng 11-2013, Quảng Ngãi có hơn 134km kênh mương, 58 công trình kiên cố bị sạt lở, đổ trôi, bồi lấp với gần 96.000m³ khối lượng đất và trên 3.800m³ bê tông, đá. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ước 681 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 32 hồ chứa nước đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Đứng đầu danh sách… không còn gì để hỏng là đập ngăn mặn Hiền Lương. Công trình này cung cấp nước tưới, ngăn mặn cho gần 1.500ha đất sản xuất nông nghiệp các xã khu đông huyện Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi. Trận lũ tháng 11-2014, hơn 100m đường tràn kết hợp giao thông bằng bê tông phía vai tả bị nước xoáy sâu vào trong thân đập hơn 1m; hai vai cống ngăn mặn bị xói lở; các cửa cống đóng mở thì bong tróc, ron cao su hư hỏng gây rò rỉ nước... nên mùa mưa bão năm nay, đập Hiền Lương được xếp vào diện cực kỳ nguy hiểm. Cùng đập Hiền Lương, kè bờ Bắc đập Thạch Nham cũng trong tình trạng rệu rã với toàn bộ phần mái bằng đá xây dày 40cm trong ô khung bê tông cốt thép bị sụt lún, gãy đổ và cuốn trôi đất sau lưng kè.

Theo ông Nguyễn Lập, Phó giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Quảng Ngãi, nếu không kịp thời duy tu thì mùa mưa bão năm nay, bờ kè sẽ còn sạt lở nữa. Trong khi đó, 2 hồ chứa nước Suối Loa và Diên Trường cũng bị lũ làm cho tơi tả với phần mái đất sườn đồi bồi lấp, bể tiêu năng tràn xả lũ sụt lún và mái kênh dẫn hạ lưu tràn sạt lở, gãy đổ… Với cảnh tan hoang này thì khi gặp mưa to gió lớn, không ai dám chắc chúng sẽ không gây họa cho vùng hạ lưu nếu tràn bị bể hoặc nước cuốn.

Đập Hiền Lương (Quảng Ngãi) bị xói lở trong mùa lũ năm 2013 vẫn chưa được khắc phục.

Đập Hiền Lương (Quảng Ngãi) bị xói lở trong mùa lũ năm 2013 vẫn chưa được khắc phục.

Tại Bình Định, theo đánh giá của ngành chức năng, đáng lo ngại nhất trước mùa mưa lũ năm nay là hệ thống kênh mương nội đồng hiện đang bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng. Qua kiểm tra, trong số 750km kênh mương do Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý, hiện mới chỉ có 35% chiều dài kênh được bê tông kiên cố, số còn lại vẫn còn là kênh đất nên nguy cơ sạt lở, cuốn trôi là rất cao nếu có lũ lớn.

Hà Tĩnh là địa phương ở Bắc miền Trung có nhiều hồ đập lớn cũng nằm trong tình trạng báo động đỏ. Đập Cồn Tranh thuộc dự án hồ chứa nước Xuân Hoa xây dựng năm 2005, dung tích chứa hơn 9 triệu m³ nước, đập đất dài 1.600m… với kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây trong quá trình tích nước, tại khu vực mang xả tràn của đập chính đã xuất hiện xói lở từng mảng lớn, rỗng trong thân đập chính, rò rỉ nước, mái đập xuất hiện vết nứt, mang tràn đập bị xói lở rộng 1m, cao 1m.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, việc xảy ra rò rỉ nước là do chất lượng thân đập cũ xuống cấp. Vì không có kinh phí nên không thể phá dỡ đập cũ mà làm mới được. Trong khi hệ thống kênh mương hiện nay do hết tiền nên sở vẫn đang phải chờ. Vốn năm 2014, sở đăng ký với tỉnh là hơn 5 tỷ đồng nhưng tỉnh chỉ mới xuất 1,5 tỷ nên hệ thống kênh mương chưa biết khi nào mới hoàn thành được…

Cấp tập nâng cấp vượt lũ

Năm 2014, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi quan trọng với kinh phí đầu tư từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí. Hiện nay, các đơn vị thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, đảm bảo vượt lũ an toàn trước thời điểm 31-8. Ông Nguyễn Trọng Phủ, Phó Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, cho biết: “Vốn đầu tư 22,5 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 47 hạng mục công trình thủy lợi, kênh mương. Hầu hết các hạng mục công trình đã và đang được triển khai thi công. Trong đó, các công trình có vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa lớn gồm: hệ thống đập dâng Tháp Mão (xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn), kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng; kiên cố hệ thống kênh N1-4 trên địa bàn xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) 2,25 tỷ đồng… Theo đánh giá của Công ty TNHH KTCTTL, hầu hết các hạng mục công trình thủy lợi đang triển khai thi công trên địa bàn tỉnh hiện đều đảm bảo tiến độ đề ra, khả năng đảm bảo vượt lũ an toàn vào cuối tháng 8 là trong tầm tay.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi, Công ty KTCTTL đã được UBND tỉnh phân khai 8,5 tỷ đồng để khắc phục. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lập thì với số tiền trên, công ty chỉ sửa chữa được một số công trình nhỏ như cầu tràn và một phần kè Bắc Thạch Nham, tràn N6 Liệt Sơn, cống xả N16 và các tuyến kênh B37, B8… Còn những công trình lớn thì vẫn phải chờ tiền, vì đầu tư ngót 20 tỷ đồng. Riêng 32 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cũng đang trông đợi vào sự giúp sức của Trung ương. Bởi với số tiền sửa chữa, nâng cấp lên đến 458 tỷ đồng là vượt quá khả năng của tỉnh.

Theo ông Trần Duy Chiến, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, do các hồ chứa nước được xây dựng cách đây 20 - 30 năm, lại rơi vào thời gian dài không được quản lý, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ vỡ và đe dọa tính mạng người dân phía hạ lưu. Để nâng cấp, sửa chữa 129 hồ đập có nguy cơ mất an toàn theo tiêu chuẩn, thiết kế mới thì cần khoảng 2.000 tỷ đồng. Hàng năm, các đơn vị quản lý, địa phương cũng đã tiến hành sửa chữa nhưng theo kiểu chắp vá nên khó đảm bảo an toàn cho các công trình... Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh trước mắt hỗ trợ kinh phí để sửa chữa khẩn cấp đối với 7 hồ chứa bị xuống cấp trầm trọng nhất, với tổng số tiền cần để chi sửa là hơn 6 tỷ đồng.

HÀ MINH - DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục