Hộ khẩu… hậu khổ

Một hôm đi làm về khuya, anh K. bị kiểm tra hành chính và do không có CMND nên anh bị lập biên bản đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM theo diện người lang thang, cơ nhỡ. Hàng tuần, vợ, con anh vào thăm nuôi nhưng không thể bảo lãnh chỉ vì anh không có hộ khẩu.

Anh K. cho biết, vào TPHCM lập nghiệp đã 20 năm, cách đây hơn 10 năm, khi lấy vợ, anh có trở lại quê để làm làm đăng ký kết hôn nhưng chính quyền ở quê thông báo anh đã bị xóa tên trong hộ khẩu nên không thể đăng ký kết hôn. Đến đăng ký kết hôn ở nơi thường trú của vợ thì nơi đây yêu cầu anh phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở nơi thường trú mới đăng ký được. Mà muốn có được giấy này thì phải có tên trong hộ khẩu…

Sau một thời gian chạy đi chạy lại không được, anh đành phải cưới vợ không đăng ký kết hôn và sinh sống bên nhà vợ. Phía nhà vợ cũng muốn nhập hộ khẩu cho anh theo diện bảo lãnh cho chồng nhưng phía công an lại yêu cầu phải có giấy chứng nhận kết hôn. Thậm chí khi vợ chồng anh có con, trên giấy khai sinh cũng phải để trống tên cha vì cán bộ hộ tịch yêu cầu phải có giấy đăng ký kết hôn mới ghi tên cha…

Sự việc rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc khi anh K. bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Tại đây muốn bảo lãnh phải có người thân nhưng vợ anh ở bên ngoài không có cách nào chứng minh anh K. là chồng mình để bảo lãnh.

Một hoàn cảnh éo le khác là trường hợp của anh T. Năm 1976, anh T. nhập hộ khẩu tại quận Bình Thạnh. Năm 1979, anh lấy vợ có đăng ký kết hôn. Năm 1980, anh trốn nghĩa vụ quân sự nên bị xóa tên trong hộ khẩu gia đình.

Gần đây, anh làm đơn xin được nhập hộ khẩu theo vợ tại quận Bình Tân. Mặc dù xét về hồ sơ, anh T. có đủ điều kiện để nhập khẩu như có bảo lãnh của vợ anh là chủ nhà, chủ hộ, kèm theo giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của vợ chồng anh; giấy chứng nhận tạm trú của công an các địa phương từ năm 1980 đến thời điểm xin nhập hộ khẩu nhưng cán bộ tiếp nhận yêu cầu anh phải có giấy giới thiệu nhập khẩu do Quận đội Bình Thạnh cấp và đơn tường trình.

Tuy nhiên, anh đến liên hệ với Ban Chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh để xin giấy giới thiệu lại không được mà chỉ xin được giấy xác nhận hộ khẩu gốc do Công an quận Bình Thạnh ký với nội dung năm 1976 anh T. có đăng ký hộ khẩu tại phường 15, Bình Thạnh, đi nghĩa vụ quân sự xóa khẩu năm 1980. Cho đến thời điểm này, anh T. vẫn chưa có hộ khẩu thường trú và CMND của anh cũng đã hết hạn sử dụng nên gặp không ít khó khăn trong công việc, giao dịch…

Việc đăng ký hộ khẩu hộ tịch cho công dân là trách nhiệm của cơ quan chức năng liên quan. Đây là việc vừa nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho những công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời để đảm bảo việc quản lý xã hội của Nhà nước.

Thực tế hiện nay, chắc chắn không chỉ có trường hợp anh K., anh T. Vì lẽ đó, thiết nghĩ cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần tăng cường trách nhiệm, chủ động tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân đều được đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình theo Luật Cư trú, đồng thời để tránh gây ra những hệ lụy không mong muốn cho xã hội khi để nhiều người sống ngoài vòng pháp luật.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục