Hồ Ngọc Hân giành giải nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 - Bứt phá ở chặng cuối

Hôm qua, 17-5, rất nhiều người dân ở TPHCM, Huế, Hà Nội, Thanh Hóa, Lâm Đồng và hàng triệu học sinh trên cả nước đã có một ngày hội đúng nghĩa khi dõi theo những phần thi đầy kịch tính của 5 thí sinh tham dự chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9. Đây là buổi chung kết đặc biệt do có tới 5 thí sinh tham gia. Bao gồm: Bạch Đình Thắng (Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông - Hà Nội); Đào Thị Hương (Trường THPT Bỉm Sơn - Thanh Hóa); Hồ Ngọc Hân (Trường THPT Quốc học Huế); Nguyễn Thị Thu Trang (học sinh lớp 12A7, Trường THPT Bảo Lộc - Lâm Đồng); Bùi Tứ Quý (Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM).
Hồ Ngọc Hân giành giải nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 - Bứt phá ở chặng cuối

Hôm qua, 17-5, rất nhiều người dân ở TPHCM, Huế, Hà Nội, Thanh Hóa, Lâm Đồng và hàng triệu học sinh trên cả nước đã có một ngày hội đúng nghĩa khi dõi theo những phần thi đầy kịch tính của 5 thí sinh tham dự chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9. Đây là buổi chung kết đặc biệt do có tới 5 thí sinh tham gia. Bao gồm: Bạch Đình Thắng (Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông - Hà Nội); Đào Thị Hương (Trường THPT Bỉm Sơn - Thanh Hóa); Hồ Ngọc Hân (Trường THPT Quốc học Huế); Nguyễn Thị Thu Trang (học sinh lớp 12A7, Trường THPT Bảo Lộc - Lâm Đồng); Bùi Tứ Quý (Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM).

Hồ Ngọc Hân nhận giải nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9

Hồ Ngọc Hân nhận giải nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9

        Tứ Quý “sẵn sàng”

Ở phần thi khởi động, các thí sinh đều có từ 40 - 50 điểm, chỉ cách nhau 10 điểm. Phần thi vượt chướng ngại vật bắt đầu mang đến tính kịch tính cho cuộc thi. Chỉ sau khi MC cho biết ô chữ đầu tiên là một ô 7 chữ, thì Hồ Ngọc Hân đã “phát súng” xin trả lời chướng ngại vật với ô chữ “Kim Đồng”. Sự mạo hiểm của Hân khiến tất cả nghẹt thở, tuy nhiên may mắn đã không mỉm cười với Hân. Tiếp sau Hân, Đình Thắng cũng đã xin vượt chướng ngại vật chỉ sau khi có một ô chữ đầu tiên được lật (từ “đội ca”). Thắng tự tin cho rằng đó là từ “yêu nước” nhưng lại... sai.

Lúc này phần thi vượt chướng ngại vật chỉ còn 3 người thi với 2 ô chữ đã được mở là “1951”, “đội ca”. Ngay sau đó, Tứ Quý đã vượt chướng ngại vật thành công với từ “sẵn sàng”. Kết thúc phần thi thứ 2, Tứ Quý dẫn đầu với 105 điểm.

Ở phần thi tăng tốc, Tứ Quý tiếp tục nổi trội với khả năng trả lời nhanh ở những giây đầu tiên, và giành điểm số cao hơn so với các bạn khác. Kết thúc phần thi thứ 3 của cuộc thi, Tứ Quý vẫn dẫn đầu với 180 điểm; Hân đứng thứ 2 với 145 điểm, Thu Trang đứng thứ 3 với 140 điểm, 2 thí sinh còn lại có điểm số 115 (Đào Hương) và 95 điểm (Đình Thắng).

        Cú bứt phá của Ngọc Hân

Nếu phần thi vượt chướng ngại vật là của Quý, thì phần thi về đích, phần thi quyết định thắng thua, đòi hỏi “cân não” nhất của các thí sinh đã thuộc về cậu học trò đến từ Quốc học Huế.

Bạn bè chúc mừng Hồ Ngọc Hân đoạt ngôi vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9.

Bạn bè chúc mừng Hồ Ngọc Hân đoạt ngôi vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9.

Hồ Ngọc Hân bước vào phần thi về đích với lời khuyên từ thầy hiệu trưởng là “chọn gói câu hỏi 60 điểm và ngôi sao hy vọng”, nhưng đã kết thúc phần thi của mình chỉ với tổng số điểm 155. Tuy nhiên, chính Hân đã ghi tên mình lên đỉnh Olympia năm nay khi ở những phần thi của các thí sinh cuối cùng, em bình tĩnh, tự tin và chính xác trong phần trả lời để gỡ điểm. Từ câu trả lời sai của Đào Thị Hương, Hân tăng thêm 20 điểm vào bảng số của mình.

Chưa dừng ở đó, Đình Thắng khi bước vào phần thi về đích của mình đã thể hiện sự mất bình tĩnh, liên tục trả lời sai, và Hân đã nhấn chuông liên tiếp trả lời các câu hỏi của Thắng để cộng vào tổng điểm lên đến 245. Đây cũng là điểm số chung cuộc, đưa Hân trở thành tân vô địch Olympia với chiến thắng ngoạn mục, ấn tượng.

Hân vinh dự giành 1 suất học bổng trị giá 35.000 USD và cơ hội du học nước ngoài, trở thành cái tên khó quên với các em học sinh trong cả nước. Kết quả, Thu Trang về nhì với 190 điểm, Tứ Quý 175 điểm, Đào Hương 105 điểm, Đình Thắng 35 điểm.

3 câu hỏi với nhà vô địch

- Em chuẩn bị cho cuộc thi chung kết như thế nào?

- HỒ NGỌC HÂN: Chuẩn bị là cả một quá trình ôn luyện rất dài. Em không phân chia mảng để ôn hay ôn tủ phần nào. Trước khi vào chung kết, em đã đi chơi cả ngày. Buổi sáng đi thăm Lăng Bác, Văn Miếu, buổi chiều em đi dạo Hà Nội, chọn mua quà cho bạn bè.

- Khi mất điểm, mất quyền thi ở vòng thi “Vượt chướng ngại vật”, tâm trạng của em thế nào?

- Lúc đó em cũng không hề buồn vì em nghĩ đã là một cuộc chơi thì thắng hay thua không quan trọng. Mình có thể thua ở việc này nhưng sẽ thắng ở việc khác.

- Bí quyết học tập của em là gì?

- Em không có bí quyết gì, chỉ là kết hợp giữa học và thư giãn cho hợp lý. Một ngày em thường dành ra 4 tiếng để học. Giờ học trên lớp em cố gắng tập trung nghe giảng để hiểu ngay tại lớp. Về nhà chủ yếu em dành thời gian đọc thêm. Em thích học các môn xã hội hơn tự nhiên. Để thư giãn sau giờ học, em lên mạng chat với bạn bè, tìm kiếm thông tin và nghe nhạc. Em rất thích nhạc truyền thống cách mạng. Phương pháp của em là cóp nhặt kiến thức ở mọi lúc, mọi nơi bằng mọi cách. Học kỹ trong sách giáo khoa, xem nhiều thời sự, chăm đọc báo và tìm thêm kiến thức ở trên mạng. Em cũng thường ghi lại những điều đáng chú ý vào một cuốn sổ, khi nào có thời gian thì lấy ra đọc lại.

*****

Ngay sau khi cuộc thi kết thúc, chúng tôi tìm đến thăm gia đình Hồ Ngọc Hân ở đường Hàn Mặc Tử (TP Huế) thì mới hay nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 không phải là “con nhà nòi” như mọi người vẫn nói. Cha của Hân là lái xe du lịch, nay đây mai đó, còn mẹ em ở nhà nội trợ.

Ông Hồ Chuyên - cha của Hân cho biết, ngoài những giờ học tập và hoạt động tại trường hay một chút thời gian phục vụ cho việc tìm kiếm cây xương rồng để thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng, Hân đều tập trung hết thời gian cho việc học tập thông qua chiếc máy vi tính cũ nối mạng Internet. Hân mê chương trình Đường lên đỉnh Olympia ngay từ những năm học cấp 2. Hiện Hân đã nộp đơn đăng ký thi vào ngành công nghệ sinh học của ĐH KHTN (TPHCM) và ngành hóa dầu của Trường ĐHBK TPHCM.

Ngoài danh hiệu học sinh giỏi, Hân còn là một đoàn viên ưu tú. Hân rất tự tin và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Với đức tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, Hân được thầy cô và bạn bè yêu mến.

N. HÀ - V. XUÂN - V. THẮNG

Tin cùng chuyên mục