Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 tại TPHCM
Chương trình bình ổn thị trường năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014 kết thúc, TPHCM tiếp tục triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015 theo hướng nào? Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Ngọc Đào để làm rõ những nội dung này.
Hơn 350 mặt hàng thiết yếu
* Phóng viên: Bà có thể đánh giá khái quát kết quả thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua?
* Bà LÊ NGỌC ĐÀO: Chương trình bình ổn thị trường năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014 tiếp tục thành công về nhiều mặt, quy tụ được một đội ngũ doanh nghiệp (DN) tham gia hùng hậu với 64 DN, cung ứng hơn 350 mặt hàng thiết yếu, hàng bình ổn tại TPHCM đã chi phối thị trường, ổn định giá cả. Tình trạng tăng giá bất hợp lý do khan hiếm hàng hóa giả tạo tại các chợ bán lẻ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán đang dần được đẩy lùi.
Hiệu quả từ chương trình bình ổn, cộng với việc triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách gỡ khó cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp TPHCM thành công trong việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng năm 2013 dừng ở mức 5,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân cả nước là 6,04%. Với việc tham gia chương trình bình ổn, các DN không chỉ được quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý để phát triển, sản xuất kinh doanh. Từ chương trình, đã xuất hiện các mô hình liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, thông qua việc sử dụng từ chính đồng vốn hỗ trợ của TP. Đây cũng là cơ sở để TPHCM tập hợp, phát triển được đội ngũ DN mạnh, có đủ khả năng cung ứng hàng hóa chi phối thị trường. Chương trình đã góp phần thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vì 100% hàng hóa trong chương trình được sản xuất trong nước.
* Quá trình triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2013 đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa bà?
* Thuận lợi của chương trình đó là luôn nhận được sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành, Thành ủy và UBND TPHCM cùng với sự ủng hộ vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại TPHCM, thông qua bản ký kết liên tịch giữa Thành đoàn TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm triển khai mạng lưới phân phối hàng bình ổn được thực hiện từ tháng 12-2011.
Bên cạnh đó, chương trình cũng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều thành phần DN tại TPHCM và các tỉnh, thành khác. Đặc biệt, năm 2013 còn có sự tham gia cung cấp vốn với lãi suất hợp lý từ 5 ngân hàng thương mại cho các DN thực hiện chương trình. Theo quan điểm của lãnh đạo TPHCM, chính các DN mới là người đóng vai trò quan trọng để làm nên thành công cho chương trình. Điều này có thể lý giải, tất cả các cơ chế, chính sách của TP đều hướng về DN, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động sản xuất kinh doanh, ngược lại các DN tham gia bình ổn cũng đã hết lòng vì chương trình, vì mục tiêu chung của TP.
Mở rộng các đối tượng tham gia chương trình
* Được biết TPHCM đã và đang xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015. Bà có thể nói đôi nét về chương trình này và đâu là điểm mới?
* Năm 2014, TPHCM tiếp tục thực hiện 4 Chương trình bình ổn thị trường gồm lương thực - thực phẩm; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; các mặt hàng dược phẩm thiết yếu và mặt hàng sữa. Theo đó, các nhóm hàng và cơ cấu từng mặt hàng bình ổn sẽ không thay đổi so với Chương trình bình ổn thị trường năm 2013.
Về cách làm, năm nay TPHCM tiếp tục thực hiện kết nối giữa ngân hàng và DN để tìm các nguồn vốn với lãi suất hợp lý cho DN. Nét mới trong việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm nay là TPHCM sẽ mở rộng đến các đối tượng tham gia chương trình. Cụ thể, ngoài số lượng các tham gia cung ứng và phân phối trực tiếp hàng hóa cho chương trình, thì các DN, các vệ tinh tại TPHCM và các tỉnh, thành khác đang thực hiện việc liên kết sản xuất cung ứng hàng hóa cũng sẽ được giới thiệu với các tổ chức tín dụng để xem xét vay vốn với lãi suất hợp lý. Song song đó, TP cũng sẽ tăng cường hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng hàng hóa.
Đối với các DN tham gia phân phối, TP cũng sẽ khuyến khích việc tăng cường đầu tư, phát triển các vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm theo cách Saigon Co.op đã và đang triển khai từ nhiều năm qua. Về lâu dài, TP sẽ hướng các DN hoạt động và sản xuất kinh doanh theo chuỗi cung ứng sản phẩm, tức là mỗi DN sẽ tham gia vào một khâu trong chuỗi cung ứng đó, DN sản xuất thì sẽ chuyên vào sản xuất, DN nào phân phối thì tập trung cho phân phối...
Ngoài ra, TP sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN phát triển mạnh các điểm phân phối hàng hóa; tăng cường thực hiện các chương trình kết nối giữa sản xuất và phân phối để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông. Những nội dung này, Sở Công thương TP đang tiếp tục hoàn thiện để trình UBND TPHCM xem xét và phê duyệt.
* Như vậy, có nghĩa TPHCM cũng tập trung hỗ trợ, đầu tư nhiều hơn cho khâu tạo nguồn hàng?
* Đúng vậy. Tôi cho rằng, nói gì thì nói, để làm tốt công tác bình ổn thị trường thì TP phải có một đội ngũ DN mạnh, phải có lượng hàng hóa trong tay đủ lớn mới có thể điều tiết được thị trường.
* Tiêu chí để chọn các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 như thế nào, thưa bà?
* Tất cả DN sản xuất, phân phối thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Hợp tác xã… có trụ sở, chi nhánh trên địa bàn TPHCM đều được đăng ký tham gia chương trình. Tuy nhiên, các DN này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và tiêu chí như sau: có ngành nghề sản xuất, kinh doanh phù hợp với các nhóm mặt hàng tham gia chương trình; có thương hiệu, uy tín, năng lực, kinh nghiệm kinh doanh các nhóm hàng hóa thuộc chương trình, có lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, có khả năng chi phối thị trường xuyên suốt trong thời gian thực hiện chương trình; cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa tham gia chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, ưu tiên các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, rõ nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng đầy đủ về qui định nhãn mác sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, niêm yết và bán đúng theo giá đăng ký được phê duyệt; có 12 điểm bán hàng (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) hoạt động ổn định trên địa bàn TP; có kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo nguồn hàng khả thi và năng lực tài chính lành mạnh (thể hiện qua báo cáo tài chính hoặc báo cáo kiểm toán và không có nợ xấu, nợ quá hạn trong 2 năm gần nhất).
Đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng, tham gia vào chương trình thực hiện đăng ký hạn mức tín dụng, các gói cho vay ưu đãi với mức lãi suất phù hợp hỗ trợ cho các DN vay vốn sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa, phân phối cung ứng thị trường.
* TPHCM đã và đang làm gì để chương trình ngày càng đạt hiệu quả cao và mang tính dài hạn?
* Để thực hiện tốt, ngay từ năm 2008 đến nay, TPHCM đã triển khai song song nhiều chương trình, đề án khác như: Đề án phát triển chăn nuôi tạo nguồn hàng bình ổn; Đề án phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; Chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN kết nối cung ứng hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, đầu tư sản xuất kinh doanh phát triển thị trường nội địa đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả không để xảy ra hiện tượng găm hàng tạo khan hiếm hàng hóa trên thị trường...
Cụ thể, TP cũng thực hiện kết nối giữa DN và tổ chức tín dụng để giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp. Cùng với đó, TP hỗ trợ DN tham gia chương trình kích cầu theo Quyết định 33 của UBND TPHCM để mở rộng chuồng trại, chăn nuôi, đầu tư con giống, đổi mới công nghệ; hỗ trợ kết nối đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối; tổ chức các chuyên trang về Chương trình bình ổn thị trường để hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, năm 2014 và những năm tiếp theo, TPHCM có kế hoạch khuyến khích DN phát triển sản xuất các mặt hàng đạt chuẩn VietGAP, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân TP.
Tôi tin rằng, với sự đồng lòng của người tiêu dùng, sự năng động của các DN, sự phối hợp của các cơ quan truyền thông, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và lãnh đạo TP cùng sự nhạy bén, linh hoạt của các cấp, các ngành và DN, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình trong việc ổn định thị trường, tích cực góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân TP ngày càng tốt hơn.
* Cảm ơn bà!
THÚY HẢI (thực hiện)