Hỗ trợ để doanh nghiệp kinh doanh tốt, đóng thuế đủ tốt hơn miễn giảm

Hôm nay 10-11, Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng (ảnh) đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này. Ông Dũng cho biết:
Hỗ trợ để doanh nghiệp kinh doanh tốt, đóng thuế đủ tốt hơn miễn giảm

Hôm nay 10-11, Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng (ảnh) đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này. Ông Dũng cho biết:

Nhìn lại số liệu thì số tăng thu năm 2014, dù mới là ước tính - khoảng 63.700 tỷ đồng là rất khả quan, rất đáng mừng. Nhưng phải lưu ý là phần lớn số tăng thu ở khoản không ổn định, thiếu bền vững. Và cũng phải khẳng định là trong năm 2014, con số dự toán chưa phải là tích cực, như nhiều đại biểu đã nhận xét. Năm 2015 tiếp tục trong bối cảnh Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế đang được thảo luận; nếu được thông qua thì việc điều chỉnh 5 sắc thuế sẽ làm giảm thu ngân sách nhiều ngàn tỷ đồng. Việc này cần xem xét thận trọng.

Hỗ trợ để doanh nghiệp kinh doanh tốt, đóng thuế đủ tốt hơn miễn giảm ảnh 1

* Phóng viên: Thưa ông, ngoài việc giảm thuế, cho hoãn nộp, lần này còn có đề xuất xóa nợ thuế. Ông nghĩ như thế nào về đề nghị này?

* Ông BÙI ĐẶNG DŨNG: Trong đề xuất lần này có việc xóa tiền phạt chậm nộp thuế từ tháng 8-2013 trở về trước. Cá nhân tôi không đồng ý với đề xuất này. Nếu có xóa thì phải rà soát lại xem doanh nghiệp nào được xóa, doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đến khu vực kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, doanh nghiệp xã hội thì mới quyết định cụ thể. Ngoài ra, thời gian xóa nợ cũng phải khoanh lại từ năm 2007 - 2008 trở về trước chứ không nên kéo dài tới tháng 8-2013. Từ năm 2009 hầu như năm nào chúng ta cũng thực hiện miễn giảm, gia hạn thuế. Có quan điểm cho rằng chính sách này là để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhưng ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng chính sách này không nên trở thành một thông lệ, khiến doanh nghiệp nghĩ rằng cứ dựa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chây ỳ thì rồi cũng sẽ có cơ chế hỗ trợ. Về lâu dài phải có cơ chế, điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt và đóng thuế đầy đủ.

* Một vế quan trọng khác của cân đối ngân sách là chi tiêu. Mức bội chi cho phép năm 2015 là 5% GDP, ông thấy đã hợp lý?

*
Năm 2015, chúng ta tiếp tục lộ trình phát hành trái phiếu 85.000 tỷ đồng, thực ra nếu tính cả khoản này thì bội chi cỡ vào khoảng 7% GDP. Vấn đề này phải báo cáo rõ với Quốc hội trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự toán năm 2015 và phân bổ ngân sách Trung ương. Nếu đến tháng 3, tháng 4 tới đây xác định được vượt thu không phải là 63.700 tỷ đồng mà là 80.000 - 100.000 tỷ đồng thì tôi hoàn toàn đồng tình với phương án dành số tiền đáng kể trong số vượt thu so với ước đạt được nếu có để giảm bội chi, trả nợ.

* Các khoản chi an sinh xã hội thể hiện tính nhân đạo của chế độ ta, nhưng cũng có ý kiến chỉ ra rằng nhiều khoản chi trong số này là kém hiệu quả. Ông có chia sẻ quan điểm này?

*
Nước ta vừa thoát ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, nhưng đất nước từng trải qua thời kỳ chiến tranh quá dài, hiện có hàng chục triệu gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với đất nước đang có cuộc sống hàng ngày cũng như nhà cửa hết sức khó khăn, nên xã hội phải có trách nhiệm, nghĩa vụ quan tâm đến đối tượng này. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm ở khu vực trung tâm của bão lũ, hạn hán nên những nội dung chi cho vấn đề này là tất yếu. Vấn đề là hiệu quả của chi tiêu ra sao. Tôi lấy ví dụ, liên quan đến chế độ nhà cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, báo cáo ban đầu từ các địa phương thì có khoảng 73.245 căn nhà cần phải kiên cố hóa, nâng cấp; nhưng khi thực hiện thì có báo cáo của các địa phương có trên 300.000 căn nhà thuộc diện phải kiên cố hóa, nâng cấp.

Rồi còn việc mua bảo hiểm y tế mua trùng thẻ BHXH với số tiền hàng trăm tỷ đồng cho đối tượng chính sách (người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, gia đình người có công…) bằng tiền ngân sách.
* Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ ghi

Tin cùng chuyên mục