Hỗ trợ hàng Việt vào hệ thống phân phối

Cắt giảm khâu trung gian để hàng Việt ngày càng hiện diện mạnh mẽ tại hệ thống phân phối là một trong những việc trọng tâm đã được Bộ Công thương thực hiện trong nhiều năm qua. 
Đoàn công tác Bộ Công thương khảo sát hàng hóa tại kênh phân phối hiện đại ở TPHCM
Đoàn công tác Bộ Công thương khảo sát hàng hóa tại kênh phân phối hiện đại ở TPHCM
Tuy nhiên, cho đến nay, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hàng Việt chỉ mới trụ chân tại hệ thống phân phối nội. Còn hệ thống phân phối ngoại thì rất khó vào hoặc thậm chí có những doanh nghiệp đã vào được nhưng đang có nguy cơ bị loại ra. 

Minh bạch hóa khâu thu mua

Doanh nghiệp Việt luôn bị làm khó tại hệ thống phân phối ngoại. Hệ thống phân phối ngoại luôn đưa ra những quy định ngặt nghèo về trình độ tổ chức tiên tiến, đòi hỏi doanh nghiệp cung ứng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ… Trong khi đó, với nguồn lực hạn chế, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm có quy mô sản xuất nhỏ và rất nhỏ thường không đáp ứng được yêu cầu trên nên không thể chen chân vào hệ thống chuỗi cung ứng của hệ thống phân phối ngoại. Nhiều cơ sở sản xuất dù được các cơ quan chức năng địa phương cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng vẫn gặp khó về đầu ra. Khi “chào hàng” tại các hệ thống phân phối lớn, hiện đại thì bị từ chối. Một trong những lý do được nêu ra là hàng không đạt tiêu chuẩn của các hệ thống phân phối.

Ông Nguyễn Quốc Dân, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Thương mại quốc tế Song Nam bức xúc, khi bán hàng cho các hệ thống phân phối nước ngoài, phía đối tác thường trả chậm từ 30 - 45 ngày. Điều này gây nhiều khó khăn cho các DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn ông Trần Văn Liêng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ca cao Việt Nam cho hay, đối với các hệ thống siêu thị của nước ngoài, vẫn còn tình trạng chèn ép, gây khó dễ, phiền hà cho DN, trong khi người lãnh đạo cấp cao có thể không biết tình trạng trên. Do vậy, cần minh bạch hơn trong khâu thu mua. 

Nâng chất lượng hàng hóa từ doanh nghiệp nội


Ở một góc độ chia sẻ khác, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho rằng, việc các hệ thống phân phối ngoại làm khó doanh nghiệp nội để tạo lợi thế cho hàng ngoại nhập của chính nước họ là có. Tuy nhiên, còn yếu tố khác mà các doanh nghiệp nội phải xem xét lại mình là chất lượng hàng hoá. Rất nhiều doanh nghiệp nội cung ứng sản phẩm thời gian đầu thì rất tốt nhưng càng về lâu dài thì chất lượng lại giảm hoặc thiếu ổn định. Sự thiếu ổn định và bền vững về chất lượng không chỉ gây khó cho hệ thống phân phối ngoại mà ngay cả hệ thống phân phối nội cũng buộc phải từ chối cung ứng hàng của doanh nghiệp. Ngoài ra, sản phẩm của doanh nghiệp nội thường thiếu tính hấp dẫn do mẫu mã đơn điệu, chưa chú trọng đầu tư thương hiệu…

Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, hệ thống Co.opmart luôn dành những ưu tiên hàng đầu cho hàng Việt. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Trong nhiều năm qua, để hàng hóa có mặt trên hệ thống Co.opmart đáp ứng mối quan tâm của người tiêu dùng, hệ thống Co.opmart đã áp dụng 3 tầng kiểm tra chất lượng. Một là tại nhà máy sản xuất; hai là tại kho trữ hàng tập trung và ba là khi hàng đang bày bán trên hệ thống kệ. Trường hợp doanh nghiệp cung ứng hàng bị phát hiện không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị cảnh báo và thu hồi hàng để khắc phục. Sau khi khắc phục, doanh nghiệp cung ứng sẽ phải trải qua quy trình kiểm tra lại để xác định có được tiếp tục cung ứng hàng hay không. Còn trường hợp doanh nghiệp có hành vi vi phạm nghiêm trọng thì sẽ bị ngưng cung ứng hàng vĩnh viễn. Việc áp dụng những quy định chặt chẽ trên nhằm bảo vệ an toàn sức khoẻ người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo sự ổn định phát triển bền vững của hệ thống phân phối. 

Đồng thuận với quan điểm trên, đại diện hệ thống phân phối nhà sách Fahasa cho biết, đơn vị đang liên kết với các doanh nghiệp nội để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giữ chân thị phần nội địa. Tuy nhiên, đơn vị chỉ có thể làm được khi các doanh nghiệp cung ứng đảm bảo ổn định về số lượng, chất lượng, tiến độ giao hàng. Về phía hệ thống phân phối sẽ cam kết duy trì đơn đặt hàng kết hợp đặt hàng số lượng lớn để giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp cung ứng; từng bước liên kết tăng khả năng cạnh tranh của đơn vị phân phối cũng như doanh nghiệp cung ứng. 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nội phát triển, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, đầu năm 2017, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam Chất lượng cao - chuẩn hội nhập”, với nền tảng đảm bảo theo các quy định về Luật An toàn thực phẩm tại Việt Nam. Đồng thời, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế của các thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu. Trong thời gian tới, hội sẽ tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) chia sẻ, nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước, Bộ Công thương đang đẩy mạnh triển khai Đề án “Thúc đẩy các DN Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối đến 2020”. Theo đó, xây dựng được cơ sở dữ liệu về các DN kết hợp hỗ trợ tăng cường xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực sản xuất để tham gia chuỗi giá trị của các hệ thống phân phối. Đặc biệt, Bộ Công thương cũng như ngành công thương các tỉnh sẽ là cầu nối giúp các doanh nghiệp sản xuất gặp gỡ trực tiếp với các hệ thống phân phối để tìm hướng giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, các hệ thống phân phối sẽ có những hỗ trợ cụ thể về mặt kỹ thuật, tài chính cũng như đào tạo cho các nhà sản xuất… 

Tin cùng chuyên mục