Hỗ trợ hộ gia đình đơn thân

Bà Lee Bok-won, 69 tuổi, sống một mình tại phía Tây Seoul, vốn có thói quen dự trữ kim chi tự làm trong mùa đông từ vài năm qua. Gần đây, bà làm kim chi dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của văn phòng cộng đồng địa phương ở quận Seodaemun thuộc Seoul.

Văn phòng cộng đồng này đã chuyển cải thảo muối sẵn và gia vị đến cho bà Lee Bok-won. Từ tháng 12-2021, họ đã tổ chức khóa làm kim chi kéo dài một giờ qua Zoom dành cho nhiều đối tượng thuộc nhiều lứa tuổi - từ 20 đến 70 tuổi. Nhân viên xã hội Hwang Sae-bom tại văn phòng cộng đồng địa phương ở quận Seodaemun cho biết, những người tham gia khóa làm kim chi qua Zoom rất nhiệt tình.

Văn phòng quận Seodaemun giới thiệu bộ dụng cụ tự vệ dành cho phụ nữ sống một mình
Thông thường, mọi gia đình tại Hàn Quốc đều tự làm kim chi, nhưng nếu sống một mình thì đó không phải việc dễ dàng, nhất là với những người lớn tuổi như bà Lee. Các công đoạn làm kim chi thường đòi hỏi có sự tham gia của các thành viên trong gia đình và diễn ra trong nhiều ngày. Việc ngâm lượng lớn cải thảo với nước muối, sau đó trộn chúng với hỗn hợp bột ớt và các gia vị khác cũng cần có sức khỏe. Bà Lee tự hào chia sẻ về mẻ kim chi mới làm của mình, cảm thấy nó đặc biệt ngon hơn mọi lần vì làm đúng phương pháp và không mấy vất vả.  

Xã hội Hàn Quốc vốn xem trọng tính cộng đồng nên việc đi ăn cơm, uống rượu, xem phim hay đi du lịch một mình được coi là bất thường. Nhưng gần đây, “văn hóa độc thân” đã phá vỡ định kiến xã hội và trở thành một hiện tượng xã hội đáng quan tâm. Không chỉ người già đơn thân, trong năm 2020, tỷ lệ kết hôn của Hàn Quốc đã giảm hai chữ số, xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, phản ánh sự thay đổi nhận thức của giới trẻ về vấn đề lập gia đình. Hộ gia đình một thành viên đang trở thành một bộ phận quan trọng trong xã hội Hàn Quốc, bên cạnh các gia đình truyền thống ba hoặc hai thế hệ. 

Thống kê riêng tại Seoul cho thấy, các hộ gia đình một thành viên chiếm tới 34,9% tổng số hộ gia đình ở thủ đô Hàn Quốc. Những người sống một mình tại Seoul như bà Lee Bok-won đang ngày càng gặp khó khăn trong việc xử lý các rắc rối của cuộc sống một cách độc lập. Thành phố này cũng ghi nhận tình trạng gia tăng số ca tự tử của những người sống đơn lẻ. Vấn đề về tâm thần do thiếu kết nối và cô đơn tại Seoul đang trở thành mối quan tâm của chính quyền thành phố.

Do đó, chính quyền Seoul đã tìm cách xử lý các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể lực của những người sống một mình thông qua nhiều chương trình hỗ trợ. 25 quận tại thành phố Seoul đã đưa ra các chương trình đặc biệt cho hộ gia đình một người; bao gồm xây dựng chế độ tập luyện cá nhân, bảo vệ an toàn, hướng dẫn dùng mạng xã hội, khảo sát sở thích và chế độ ăn uống lành mạnh, cũng như các chương trình giáo dục về đầu tư tài chính và giao dịch bất động sản. Chính quyền thành phố Seoul cũng coi hộ gia đình một người nằm trong ưu tiên chính sách hàng đầu và cam kết chi 4,7 tỷ USD trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu của họ về y tế, an ninh, nơi cư trú.

Thành phố Seoul còn vận hành các dịch vụ hỗ trợ đưa người bệnh sống một mình đến bệnh viện, hoặc chương trình tuần tra đêm tại các khu vực có nhiều hộ gia đình một người. Từ năm 2022, Seoul cũng lên kế hoạch áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo để giám sát sức khỏe của người cao tuổi sống một mình.

Tin cùng chuyên mục