Bão Rammasun (Bão số 2) đã băng qua Philippines hướng vào Việt Nam. Thông tin báo bão đã và đang được các cơ quan chức năng, thân nhân ngư dân thông tin liên tục đến từng con tàu đang lênh đênh đánh bắt ngoài biển khơi.
Điều ấm lòng ngư dân là sự hỗ trợ thiết thực của cả nước đối với sự an nguy của họ khi vươn khơi đánh bắt. Bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi đặc biệt hiện đại hóa tàu cá, Nghị định 67 của Chính phủ vừa có hiệu lực trong tháng 7 này còn quy định hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật, mua bảo hiểm thuyền viên, đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần... để ngư dân yên tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt sẵn sàng giúp ngư dân hiện đại hóa tàu cá. Hưởng ứng các chính sách này, Ngân hàng Sacombank và Tổng Công ty CP Bảo Minh hỗ trợ 700 triệu đồng để mua bảo hiểm thân thể trong 1 năm cho 4.000 thuyền viên, ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ trên tàu có công suất trên 90CV; trong đó riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, huyện Lý Sơn được cấp 800 thẻ, huyện Bình Sơn 1.600 thẻ và huyện Đức Phổ 1.600 thẻ. VinaPhone đã chính thức ra mắt gói cước “Biển đảo” với cước thuê bao giá rẻ cùng nhiều tiện ích đặc biệt khác. Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng chung quanh việc đầu tư các tàu đánh bắt cỡ lớn...
Các địa phương ven biển đã thành lập những nghiệp đoàn nghề cá nhằm xây dựng mối liên kết trong đánh bắt, giảm thiểu rủi ro trên biển, xây dựng các quỹ hỗ trợ nghề cá để thiết thực hỗ trợ vốn, chia sẻ những mất mát, thiệt hại của ngư dân.
Tuy vậy, mối lo về an toàn, hiệu quả đánh bắt vẫn còn rất nhiều. Chỉ trong vòng 2 tháng qua, danh sách tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đe dọa, xâm hại nối dài lên đến 12 tàu. Rõ ràng hiểm họa của ngư dân Việt Nam không chỉ là sóng to bão lớn mà còn bởi sự cố tình xâm hại của lực lượng tàu Trung Quốc trên biển Đông. Bài toán bảo vệ an toàn cho ngư dân hơn lúc nào hết cần được nhìn từ nhiều phía, lợi ích của quốc gia, lợi ích của ngư dân để tăng cường lực lượng, sức mạnh, hiệu quả đánh bắt cho ngư dân.
Cùng lực lượng biên phòng, hôm nay ngư dân Việt Nam còn được bảo vệ bởi lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư mới thành lập. Hơn 2 tháng qua, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam được nhắc đến rất nhiều, từ lúc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam. Các anh đã thể hiện sự dũng cảm, thông minh, sáng tạo, kiên trì thực hiện nhiệm vụ vinh quang mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Dù mới đây, Trung Quốc tuyên bố dời giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng nguy cơ áp đặt, đe dọa, xâm hại của Trung Quốc không hề giảm...
Tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển là chủ trương, chính sách lớn của đất nước. Riêng đối với ngư dân, tuy được nhiều chính sách, sự quan tâm đã nêu ở trên, nhưng bức xúc hiện nay của ngư dân vẫn còn không ít, từ các khâu đầu tư tàu thuyền, quy mô tổ chức nghề cá, trang thiết bị đồng bộ, năng lực lao động, công nghệ đánh bắt hiện đại và sơ chế ngay trên biển. Tiếp đó là hoạt động hậu cần cho nghề cá, lưu thông sản phẩm đánh bắt, chế biến hải sản theo tiêu chuẩn quốc tế...
Ngư dân Việt Nam hôm nay có thể tự hào rằng mình là “cột mốc sống” trên biển Đông. Họ được nhận chân giá trị về vai trò của mình trong nền kinh tế biển hiện đại nhiều thử thách cũng như góp phần giữ gìn biển đảo quê hương. Vậy nên, xây dựng nền kinh tế biển hùng mạnh chính là điều kiện cần và đủ để ngư dân không đơn độc nơi khơi xa...
TRẦN KHA