3 năm liên tịch giữa tổ chức chính trị và doanh nghiệp bình ổn
Ngày 28-1 vừa qua, Sở Công thương TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện liên tịch giữa các đơn vị Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm triển khai Chương trình bình ổn thị trường, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa hàng bình ổn vào các khu dân cư, KCX-KCN, đồng thời tạo công ăn, việc làm và làm giàu chính đáng cho nhiều lao động.
Phát triển 1.567 điểm bán, 2.601 chuyến lưu động
Bản thỏa thuận hợp tác liên tịch được ký kết vào ngày 29-11-2011, với 3 nội dung chính là phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường; bán hàng lưu động và tăng cường công tác tuyên truyền, đến nay sau 3 năm thực hiện, các bên đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường đến 100% cơ sở hội, đoàn phường - xã, khu phố, tổ, ấp; phát triển 1.567 điểm bán, trong đó có 98 cửa hàng liên kết và 1.469 điểm bán; phối hợp thực hiện 2.601 chuyến bán hàng lưu động đến các xã vùng sâu, vùng xa của TP. Điều đáng lưu ý, có đến hơn 80% số cửa hàng được đầu tư, phát triển ở khu vực ngoại thành, KCX-KCN.
Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP đã giới thiệu 600 mặt bằng tại địa bàn 18 quận - huyện, phát triển 106 cửa hàng liên kết. Đến nay có 92 cửa hàng hoạt động hiệu quả, trong đó 5 cửa hàng đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng/tháng, 14 cửa hàng đạt doanh thu từ 200 - 500 triệu đồng/tháng. Hội cũng vận động tiểu thương bán hàng bình ổn thị trường, phát triển 1.451 điểm bán gồm 331 điểm tại 50 chợ truyền thống và 1.120 điểm trên địa bàn dân cư, phối hợp tổ chức 278 chuyến bán hàng lưu động. Để hỗ trợ hội viên phát triển điểm bán, hội đã cho vay 3,75 tỷ đồng tín chấp, lãi suất ưu đãi. Theo đó, hội cũng tổ chức 916 đợt tuyên truyền vận động, 131 lớp tập huấn, 5 cuộc báo cáo chuyên đề…, phối hợp ban quản lý chợ kiểm tra, nhắc nhở, thường xuyên tuyên truyền, vận động tiểu thương chấp hành tốt về quy định quản lý giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, thực hiện 3 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí tại các ngành hàng để đạt danh hiệu Chợ “Văn minh - Thương nghiệp” giai đoạn 2011 - 2015.
Trao bằng khen cho những cá nhân tiêu biểu triển khai tốt liên tịch giữa Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Satra và Saigon Co.op phát triển điểm bán bình ổn thị trường. Ảnh: LAN ANH
Về phía Thành đoàn, đã giới thiệu 27 mặt bằng tại 9 quận - huyện, phát triển 24 cửa hàng liên kết. Đến nay có 6 cửa hàng hoạt động hiệu quả. Một số cửa hàng Thanh niên hoạt động đạt doanh thu cao như cửa hàng Thanh niên Happymart tại quận 2 đạt doanh thu 700 triệu đồng/tháng; cửa hàng Thanh niên tại huyện Bình Chánh đạt doanh thu hơn 165 triệu đồng/tháng. Hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên vay vốn đầu tư cửa hàng thông qua Quỹ hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, hạn mức cho vay 50 triệu đồng/dự án đối với cá nhân và 100 triệu đồng/dự án đối với tổ chức; tổ chức 11 đợt “Bán hàng bình ổn thông qua phiếu đặt hàng trước”, phát hành 3.100 tờ rơi, 650 đoàn viên tham gia; phối hợp tổ chức 2.323 chuyến bán hàng lưu động; 49 phiên chợ công nhân. Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM đã đầu tư 115 cửa hàng liên kết, hiện có 96 cửa hàng hoạt động hiệu quả (92 cửa hàng liên kết phụ nữ, 4 cửa hàng thanh niên); đầu tư hơn 1 tỷ đồng để trang bị quầy kệ, bảng hiệu, đồng phục, đào tạo, bao bì, quà tặng khai trương… và áp dụng phương thức thanh toán trả chậm tiền hàng trong 10 ngày. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đầu tư 6 cửa hàng liên kết, hiện có 2 cửa hàng hoạt động hiệu quả…
Tạo việc làm, tăng thu nhập
Tại hội nghị, chị Ngô Thị Hồng Thắm, chủ cửa hàng liên kết Co.op (số 332/104K Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp), xúc động nói: “Tham gia hoạt động hội phụ nữ của tổ dân phố, ban đầu khi nghe cấp trên tuyên truyền, phổ biến về việc mở cửa hàng liên kết phân phối hàng bình ổn, tôi rất lo vì không có kinh nghiệm, kiến thức bán hàng. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình nên tôi mạnh dạn tham gia. Lúc đầu cửa hàng chỉ bán từ 15 - 20 mặt hàng, nhưng nhờ sự hướng dẫn và dìu dắt của Saigon Co.op, đến nay sau hơn 2 năm, cửa hàng đã và đang bán vài trăm mặt hàng, doanh thu lên đến 14 - 15 triệu đồng/ngày. Từ chỗ tay trắng, không có việc làm cơ bản, nay tôi đã có thể tự hào trở thành người có thu nhập ổn định, chồng tôi cũng đã nghỉ đi làm xa để phụ giúp việc bán hàng”.
Tương tự, chị Dương Ngọc Trà My, chủ cửa hàng liên kết Co.op - Thanh niên (số 12 Lương Định Của, quận 2) cho hay, được vận động tham gia mở cửa hàng từ năm 2013, trong đó lượng hàng bình ổn chỉ chiếm 25% trong tổng số hàng hóa bán trong cửa hàng và với 8 nhân viên bán hàng, doanh thu đạt khoảng 20 triệu đồng/ngày, nhưng chỉ sau 1 năm kinh doanh, cửa hàng đã tăng lên khoảng 7.000 mặt hàng, hàng bình ổn chiếm tới 50% đã góp phần làm tăng doanh số năm 2014 tăng bình quân 30 triệu đồng/ngày.
Theo chị Trà My: “Vì là một sinh viên mới ra trường, nên thời gian đầu mở cửa hàng tôi rất lo, nhưng với sự trợ giúp rất nhiệt tình của Saigon Co.op cả về cách trưng bày hàng hóa, lẫn việc giao hàng đều đặn có chất lượng, giá cả ổn định, chiết khấu và thời hạn thanh toán hợp lý,… đã giúp cửa hàng ngày càng phát triển tốt”. Bên cạnh những thuận lợi, việc kinh doanh cũng mang lại những khó khăn không ít đối với những người trẻ tuổi, đó là chưa thể nhập cùng một lúc với đơn hàng lớn do chưa mở được thêm điểm bán mới; khó tiếp cận các nguồn vốn do không có tài sản để thế chấp. Cũng theo chị Trà My, mặc dù là cửa hàng liên kết Co.op - Thanh niên, nhưng cửa hàng chỉ nhận được sự quan tâm của Saigon Co.op, trong khi thiếu vắng sự quan tâm, giúp đỡ của đoàn thanh niên. Mong muốn của chị Trà My là Đoàn Thanh niên cần có những hoạt động mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn để giúp thanh niên vươn lên, làm giàu chính đáng.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong năm 2015, các đơn vị thực hiện liên tịch phấn đấu phát triển 40 cửa hàng liên kết, trong đó tăng số lượng các điểm bán hàng bình ổn tại các khu nhà trọ tập trung đông công nhân với những khẩu phần gọn, nhỏ, phù hợp với túi tiền của người lao động. Song song đó, các bên sẽ tiếp tục nâng cấp các cửa hàng hiện hữu, tăng cường các mặt hàng, nhóm hàng để người dân có thể mua được đầy đủ hàng bình ổn có chất lượng và giá bán cạnh tranh. Tổ chức các chuyến bán hàng lưu động để hỗ trợ DN đưa hàng hóa tiếp cận với người tiêu dùng, góp phần đa dạng hóa nhu cầu mua sắm của người dân. Tiếp tục vận động tiểu thương tại các chợ bán hàng bình ổn thị trường, không bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, nâng cao văn minh thương mại, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật trong kinh doanh,… sẽ được thực hiện triệt để trong năm 2015.
THÚY HẢI