Như nhiều đời tổng thống Mỹ trước đây, Tổng thống Barack Obama vẫn đang theo đuổi một nền hòa bình lâu dài cho Trung Đông. Cũng như nhiều lần trước, một lần nữa, thái độ cứng rắn của Israel lại làm tan đi hy vọng vừa nhen nhóm lên.
Thủ tướng Israel “lên lớp” Tổng thống Mỹ
Trong buổi đón tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 20-5 (giờ Washington), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị Thủ tướng Israel giảng giải rằng nền hòa bình mà ông Obama đang theo đuổi tại Trung Đông dựa trên những điều “ảo tưởng”.
Ông Netanyahu bác bỏ hoàn toàn đề nghị của Mỹ và bộ tứ Trung Đông (LHQ, EU, Nga, Mỹ) - theo đó Israel phải khôi phục lại đường biên giới vào năm 1967 (trước khi Israel chiếm các vùng đất của Palestine). Ông Netanyahu cho rằng Israel sẽ không bao giờ quay lại đường biên giới đó và bác bỏ yêu cầu tổ chức các cuộc hòa đàm không điều kiện với Palestine.
Ông Netanyahu cho rằng nếu Israel trở lại với đường biên giới vào năm 1967 thì sẽ để lại các khu dân cư Do Thái không đảm bảo an ninh hoặc là sẽ phải di dời hàng trăm ngàn người Do Thái định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Ông Netanyahu cũng ra điều kiện buộc Tổng thống Palestine Mahmud Abbas chọn lựa giữa Hamas và hòa đàm với Israel vì Hamas cho tới nay vẫn không công nhận Nhà nước Israel, trong khi Israel xem đây là nhóm khủng bố.
Phía Palestine đã ngay lập tức chỉ trích phát biểu của Thủ tướng Israel là “không thể chấp nhận được”. Nhà thương thuyết hàng đầu của Tổng thống Palestine, ông Saeb Erekat, tuyên bố: Với phát biểu từ chối quay lại đường biên giới năm 1967, ông Netanyahu đã không còn là một đối tác của tiến trình hòa bình. Đại diện của Tổng thống Palestine cũng nói rằng ông Netanyahu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự thất bại của tiến trình hòa bình và nỗ lực của Tổng thống Obama.
Tại Dải Gaza, phát ngôn viên của Hamas tuyên bố quan điểm của ông Netanyahu chứng tỏ việc thương lượng với Israel là vô nghĩa. Tổng thống Obama là ông chủ Nhà Trắng đầu tiên đưa ra đề nghị Israel lùi về đường biên giới năm 1967, xem đó là một trong những điều kiện cho hòa bình Trung Đông. Người tiền nhiệm của Tổng thống Obama, ông George W. Bush, xem việc Israel trở về đường biên giới năm 1967 là “không thực tế”.
Theo Washington Post, sau hơn 90 phút trao đổi tại phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, Mỹ và Israel lộ rõ nhiều quan điểm khác biệt. Đảng Cộng hòa, một trong những ủng hộ viên nhiệt tình nhất của giới cực hữu Israel, cho biết sẽ ra nghị quyết lên án Tổng thống Obama về quan điểm của ông với Israel.
Áp lực lên Nhà Trắng
Bất chấp quan hệ đồng minh truyền thống Mỹ - Israel, những bất đồng nói trên hứa hẹn sẽ dẫn tới nhiều căng thẳng trong thời gian sắp tới giữa Washington và Tel Aviv, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn đang gia tăng tại nhiều nước ở Trung Đông và Bắc Phi, cũng như nỗ lực đơn phương của Palestine nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của LHQ trong việc chính thức công nhận quốc gia này.
Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Israel, theo Reuters, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng mục đích của ông là muốn đảm bảo một Nhà nước Do Thái tồn tại trong hòa bình và an ninh cùng với quốc gia Palestine. Kết quả hội đàm với Thủ tướng Israel cho thấy, cơ hội cho hòa bình càng trở nên bế tắc hơn. Thực tế là trong suốt 2 năm rưỡi qua, quan hệ Mỹ-Israel đã “cơm không lành, canh không ngọt”.
Nhà Trắng tỏ ra giận dữ khi ông Netanyahu từ chối thẳng thừng yêu cầu ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên những vùng đất Israel chiếm của Palestine (tại Bờ Tây và Đông Jerusalem).
Nhiều quan chức Israel cảm thấy không hài lòng về việc Tổng thống Obama muốn đối thoại với Iran và ủng hộ các cuộc nổi dậy tại các nước Arab, trong đó có Ai Cập, đồng minh lớn của Israel. Một quan chức Israel tháp tùng ông Netanyahu tới Washington nói: “Có cảm giác Washington không hiểu thực tế, không hiểu những gì chúng tôi phải đối mặt”.
Ông Obama đang bị các đảng viên Cộng hòa cáo buộc đã “phản bội” Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông. Điều này sẽ khiến giới cực hữu tại Mỹ tìm cách hạ uy tín ông Obama, nhất là trong chiến dịch bầu cử sắp tới. Có thể hiểu được áp lực này, cho tới nay ông Obama vẫn chưa đưa ra được kế hoạch hòa bình cụ thể cho Trung Đông như đã hứa.
KHÁNH MINH