Hoài nghi

Bản báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về chương trình hạt nhân của Iran đưa ra ngày 9-11 cho rằng, IAEA “đặc biệt quan ngại” về chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã tỏ ra hoài nghi về tính xác thực của báo cáo này. Bản báo cáo dài 14 trang lấy thông tin của tình báo Mỹ từ năm 2005.

Theo ông Robert Kelley, kỹ sư về hạt nhân của Mỹ và cựu thanh sát viên của IAEA, một trong những người từng tiếp cận với thông tin gốc từ phía Mỹ năm 2005, cho biết thông tin rất mỏng. Thật sự là thông tin cũ.

Phát biểu trên tờ Christian Science Monitor (Mỹ), ông Shannon Kile, người đứng đầu Dự án vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI), nói: “Iran không có cùng dạng sở hữu vũ khí hạt nhân kiểu như CHDCND Triều Tiên. Không có một bằng chứng nào trong bản báo cáo của IAEA nhắc tới điều đó”. Chuyên gia Kile cho rằng, có thể Iran có tiến bộ về kỹ thuật hạt nhân nhưng không thể nói họ đang hướng đến việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Cựu thanh sát viên của IAEA Kelley còn cho rằng, không ai chắc được rằng những tài liệu do IAEA thu thập không phải là giả tạo.

Là người từng thanh sát vũ khí tại Iraq, ông Kelly nhớ lại năm 1993 và 1994, khi đó IAEA tiếp nhận “những tài liệu giả tạo rất phức tạp” về vấn đề hạt nhân của Iraq khiến cho công tác thanh sát tại nước này kéo dài thêm nhiều năm. Theo ông Kelly, năm 2002, IAEA cũng đương đầu với các tài liệu giả tạo do một số người Italia dựng lên cho rằng Iraq có liên quan đến việc bán nguyên liệu hạt nhân cho Niger, điều mà chính phủ của Tổng thống Mỹ George Bush lúc đó dùng làm cái cớ để tấn công quân sự Iraq.

Cũng theo báo chí Mỹ, người đứng đầu IAEA hiện nay, ông Yukiya Amano, có lập trường cứng rắn với Iran hơn người tiền nhiệm Mohammad ElBaradei. Nhiều nhà phân tích cho rằng kể từ mùa hè vừa qua, ông Amano đã bị Mỹ gây sức ép để đưa ra một bản báo cáo cứng rắn hơn về vấn đề hạt nhân của Iran, trong đó cho rằng Iran chủ động phát triển vũ khí hạt nhân.

Các nhà phân tích cho rằng IAEA thật sự đã đi ra ngoài quỹ đạo của họ, trong đó có việc thiếu xác minh độc lập nhiều thông tin. Chuyên gia Kelly nhận định thêm: “Bản báo cáo mới nhất của IAEA thật sự là mớ hỗn độn và nhiều phân tích mang tính nghiệp dư”. Chẳng hạn IAEA cáo buộc Iran cho nổ các kíp nổ theo nguyên lý bắc cầu (EBWs). Mặc dù IAEA thừa nhận có thể tồn tại những EBWs trong các ứng dụng khác không liên quan đến hạt nhân, nhưng điều đó rất hiếm và cuối cùng chỉ ra rằng Iran có liên quan đến chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân.

Ông Kelly kết luận: “IAEA đã sai. Có rất nhiều ứng dụng của EBWs. Sai từ điểm này sẽ dẫn dắt đến kết quả lệch lạc như họ mong muốn. Điều đó thật sự không chuyên nghiệp”.

Dư luận thế giới đang lo ngại về một hành động leo thang quân sự với Iran, tương tự như những gì xảy ra với Iraq về cái gọi là “vũ khí hủy diệt hàng loạt” năm 2003. Câu hỏi hiện tại là giữa lúc kinh tế Mỹ rất khó khăn, cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan vẫn chưa thực sự kết thúc thì tại sao các thế lực diều hâu lại muốn có thêm một cuộc chiến khác?  

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục